Từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ

Thứ sáu - 14/04/2023 15:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ... năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 938 phê duyệt đề án tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 (gọi tắt là Đề án 938).

img1-14-4-2023-hung.jpg?t=1752814360

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 938 tại Hội nghị sơ kết thực hiện đề án 938 vừa qua

Từ khi có đề án, các cấp, các ngành đã có sự quan tâm hơn đến việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ

Các cấp, các ngành cùng vào cuộc

Sau khi có Đề án 938, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12471/KH-UBND thực hiện Đề án 938 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và giao nhiệm vụ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là cơ quan Thường trực tham mưu triển khai thực hiện đề án. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng cho các đơn vị thực hiện đề án cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh cho biết, Hội LHPN tỉnh với vai trò là đơn vị thường trực luôn gắn việc thực hiện Đề án 938 với thực hiện chủ đề công tác Hội hàng năm do Trung ương Hội LHPN phát động liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em... Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến đề án góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đồng thời bổ sung, cập nhật nhiều kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân cho phụ nữ, giúp phụ nữ mạnh dạn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ.

Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các vấn đề có liên quan cho phụ nữ, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh… Sở VH-TTDL tổ chức nhiều hoạt động sự kiện về công tác xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Sở GD-ĐT lồng ghép thực hiện đề án với các đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng, xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường... Các cấp Công đoàn tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, dinh dưỡng, nuôi dạy con, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đối với UBND các huyện, thành phố hằng năm đều xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, bố trí nguồn lực thực hiện và lồng ghép với các nhiệm vụ, chương trình, đề án liên quan, trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra liên quan đến phụ nữ…

Hỗ trợ phụ nữ qua các mô hình

Theo bà Hạnh, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng thực hành của phụ nữ, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, các cấp, các ngành còn chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ.

Các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh hiện đang duy trì hoạt động trên 2 ngàn mô hình CLB, tổ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, gia đình hạnh phúc bền vững, gia đình 5 không, 3 sạch…Thông qua hoạt động của mô hình nhằm truyền tải thông tin, chia sẻ kiến thức giáo dục đời sống gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng tổ chức cuộc sống; chăm sóc sức khỏe, vẻ đẹp; giao tiếp ứng xử; kỹ năng làm cha mẹ, nuôi dạy, giáo dục, bảo vệ con và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình.

Bên cạnh các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, còn có các mô hình hòa giải. Theo thống kê của Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh có trên 943 tổ hòa giải với trên 5,7 ngàn hòa giải viên. Hầu hết các tổ hòa giải đều có thành viên là cán bộ Hội LHPN tích cực tham gia cùng các thành viên tổ hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, khu dân cư, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.

Song song đó là các mô hình bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tình trạng bạo lực, xâm hại, như: địa chỉ tin cậy cộng đồng; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; ấp, khu phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em; ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới... Các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc giáo dục con, huy động sự tham gia, nâng cao nhận thức của xã hội bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc giáo dục con, huy động sự tham gia, nâng cao nhận thức của xã hội bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. 


Tác giả: Khánh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây