Triển khai hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân

Thứ năm - 20/06/2019 23:53
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngành Y tế đang tập trung hoàn thiện hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Trong tương lai gần, bác sĩ ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần truy cập vào hệ thống là sẽ có đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của mỗi người dân.​

Còn khoảng 800.000 người dân chưa có dữ liệu

Bộ Y tế cho biết, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử sẽ được triển khai trong cả nước từ tháng 7-2019. PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin  (Bộ Y tế) cho biết: Khi có hồ sơ điện tử, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc tiền sử bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị. 

Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần thao tác trên máy tính là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Điều này giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện.

BS. Lê Thị Du, Trưởng trạm Y tế xã Phú Điền, huyện Tân Phú chia sẻ: trạm y tế đang tiến hành đăng nhập thông tin của người dân đến khám tại trạm vào phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân. Nhân viên của trạm phải tranh thủ những lúc rảnh để nhập dữ liệu vào hệ thống. Những bệnh nhân “quen”, bác sĩ mới nhập được thông tin bệnh sử trước đó vào hệ thống. Còn những người dân khác, trạm phải phát phiếu để người dân điền thông tin, rồi mới nhập lên hệ thống. Việc này phải chờ có kinh phí và thêm người hỗ trợ. 


 Sau khi đấu thầu, Sở Y tế sẽ tiến hành hướng dẫn các trạm thu thập thông tin của người dân để làm hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Trạm Y tế phường Long Bình (TP. Biên Hòa) có số dân đông, nhất là lực lượng công nhân, dân cư biến động lớn. BS. Nguyễn Thị Ngọc Lợi, Trưởng trạm cho hay, từ khi có kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe cá nhân, trạm chỉ lấy và cập nhật thông tin của những người đến khám tại trạm. Do trạm đảm nhận nhiều chương trình y tế quốc gia nên không có nhân lực và kinh phí để in mẫu điều tra.

BS. Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, mục đích của Hồ sơ sức khỏe cá nhân là làm sao phải cập nhật được các dữ liệu sức khỏe cá nhân của mỗi người dân. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, các gói thầu liên quan đến Hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn tỉnh. Những người có thẻ BHYT, Sở Y tế sẽ lấy thông tin từ dữ liệu của cơ quan BHXH. Hiện có khoảng 85% dân số đã có dữ liệu cơ bản. “Còn khoảng 800.000 người dân chưa có dữ liệu, cần phải điều tra. Chúng tôi phải dựa vào đội ngũ công tác viên của các trạm để điều tra trong thời gian tới”, BS. Trung nói.

Tập huấn điều tra, thu thập thông tin

Trong kế hoạch, dự án về Hồ sơ sức khỏe cá nhân gồm 3 gói thầu: biểu mẫu, in ấn để điều tra dữ liệu cho 800.000 người dân (chi khoảng 800 triệu đồng bao gồm cả chi phí trả cho người đi điều tra, nhập dữ liệu); hệ thống máy 3 code trang bị cho 170 trạm y tế xã, phường; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân (khoảng hơn 3 tỷ đồng). Riêng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân đã có nhiều đơn vị cung cấp gồm Viettel và phần mềm của Bộ Y tế (đang thử nghiệm). Khi đã có hồ sơ sức khỏe cá nhân, người dân đi khám bệnh sẽ kết nối với hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của bệnh viện. Các nhà mạng sẽ phải làm việc để kết nối 2 phần mềm này. “Việc kết nối giữa 2 phần mềm này đang được báo giá gần 700 triệu đồng. Sau khi đi vào hoạt động thường quy, các đơn vị phải tự chi trả cho việc kết nối này, khoảng 500.000 đồng/tháng/trạm y tế để bổ sung dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân”, BS. Trung cho hay.

Cuối tháng 6, dự kiến, 3 gói thầu (in ấn, trang thiết bị, phần mềm) sẽ hoàn tất. Sau đó, Sở Y tế sẽ tập huấn cho các xã, phường để đi điều tra, thu thập thông tin. “Điều đáng lo ngại là các địa phương có dân số biến động. Hơn nữa, trong phiếu điều tra phải có thông tin: cân nặng, chiều cao… Tôi lo người dân sẽ không hợp tác và đội ngũ điều tra viên gặp khó khi thu thập thông tin”, BS. Trung băn khoăn.

Ngoài ra, những người có thẻ BHYT, chứng minh nhân dân, việc định danh rất dễ dàng. Còn số người không có giấy tờ tùy thân hoặc trẻ từ trên 6 tuổi đến 18 tuổi sẽ không định danh được. Tuy nhiên, con số này không nhiều nhưng việc hoàn thành 100% người dân có hồ sơ sức khỏe cá nhân ngay giai đoạn này là không thể.

Theo BS. Trung, nếu chỉ nhập dữ liệu hành chính, thông tin ban đầu của người dân vào phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân khá đơn giản. Tuy nhiên, lịch sử khám, chữa bệnh, kết nối với các bệnh viện để cập nhật mới là rất quan trọng. Như vậy, đến cuối năm 2019, dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ sở hạ tầng (hệ thống máy móc, mạng) của các nơi vẫn chưa đồng bộ. Vấn đề lo ngại hiện nay là bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh. Đến nay, Bộ Y tế chưa có thông tư hướng dẫn về việc bảo mật thông tin cá nhân. Về mặt nguyên tắc, chỉ có cá nhân và bác sĩ điều trị được phép biết điều này. Nhưng với điều kiện hiện tại, rất dễ dàng truy cập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Cụ thể, trạm y tế quản lý vài ngàn người dân và họ có thể biết để truy cập thông tin của từng người. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể tiết lộ danh tính những người mắc các bệnh xã hội (HIV, giang mai…). 

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây