Chiến tranh kết thúc, những người lính lại trở về cuộc sống đời thường. Bằng ý chí, nghị lực của mình và tình đồng đội được tôi luyện trong chiến đấu, các cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh hôm nay đã và đang cùng nhau thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, tri ân những linh hồn bất tử của các anh hùng, liệt sĩ.

Cựu chiến binh Đặng Trọng Thành (KP.5, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) dành căn phòng trang trọng nhất để thờ các anh hùng, liệt sĩ tại nhà
Cựu chiến binh Đặng Trọng Thành (KP.5, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) dành căn phòng trang trọng nhất để thờ các anh hùng, liệt sĩ tại nhà
Từ việc thờ cúng anh hùng liệt sĩ
Nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, nhiều năm nay, trong khuôn viên gia đình cựu chiến binh Đặng Trọng Thành (KP.5, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) dành căn phòng trang trọng nhất để thờ các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn Đặc công 113 hy sinh tại Biên Hòa. Ông Thành cho hay, những năm 2000, ông cùng với đồng đội đi tìm các phần mộ liệt sĩ trong đơn vị, sau đó đem bài vị liệt sĩ về thờ cúng tại nhà.
“Hiện tại, trong gia đình tôi thờ 40 bài vị liệt sĩ, đó phần lớn là những đồng đội của tôi đã hy sinh trong thời điểm ngày 30-4 lịch sử. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, tôi thường xuyên tổ chức hoạt động dâng hương, làm mâm cơm cúng giỗ anh hùng, liệt sĩ ngay tại nhà để các cựu chiến binh cùng ngồi lại với nhau, ôn lại quá khứ hào hùng và những kỷ niệm với người đã khuất. Tôi xem việc thờ cúng liệt sĩ là một phần của đời mình, là sự tri ân sâu sắc…” - ông Thành nói.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái qua), ngụ P.Tân Phong tri ân đồng đội tại tượng đài liệt sĩ Đoàn Đặc công 113, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa
Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái qua), ngụ P.Tân Phong tri ân đồng đội tại tượng đài liệt sĩ Đoàn Đặc công 113, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa
Đến đi tìm hài cốt và trả lại tên cho các anh
Là người lính từng đi qua các cuộc kháng chiến như: chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, giải phóng Campuchia, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) hiểu rõ những mất mát, hy sinh của đồng đội trên chiến trường. Bởi vậy, ông cho rằng bổn phận là người lính trở về sau chiến tranh, ông phải kết nối với đồng đội để thực hiện những việc tri ân anh hùng, liệt sĩ. Trong đó, có việc vận động xây dựng tượng đài liệt sĩ Đoàn Đặc công 113 (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa); tổ chức các chuyến đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…
Ông Hoàn bộc bạch: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cá nhân, đơn vị liên quan khôi phục tên liệt sĩ trong các nghĩa trang ở Trảng Bom, Long Khánh. Mới đây nhất (tháng 6-2022), chúng tôi tổ chức lễ bàn giao tên liệt sĩ (đã bị thất lạc) cho các thân nhân tại H.Định Quán. Suốt mấy chục năm qua, thân nhân của các liệt sĩ đã chờ đợi trong vô vọng, nhờ sự kết nối ấy mà họ tìm lại được danh sách người thân của mình và đón nhận”.
Để kể lại những câu chuyện về thời chiến, về những đồng đội đã hy sinh, quá trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trả lại tên cho các anh…, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn đã tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về thương binh, liệt sĩ cho thanh thiếu nhi tại Thư viện tỉnh trong ngày 26-7. Theo ông Hoàn, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn song các đối tượng thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống ngày càng cải thiện. Đặc biệt, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung, diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả, phần nào sưởi ấm những mất mát, hy sinh.
“Trên chặng đường dài qua các cuộc kháng chiến, hàng triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Đó là những linh hồn bất tử, thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp tục nỗ lực, ra sức học tập, phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ cha ông đi trước; ra sức rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh” - ông Hoàn bày tỏ.