Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang quan lý, chăm sóc 340 người. Trong số này có 121 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nguyễn Huỳnh Nhật Giang cho biết, để đảm bảo việc chăm sóc cho các đối tượng, nhất là trẻ em, người lao động tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh làm việc 3 ca liên tục trong ngày.
Các cô tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc trẻ em sơ sinh
Việc làm yêu thương
Cũng theo bà Giang: điều mà trẻ em, người già neo đơn, người khuyết tật thiếu trước khi vào trung tâm chính là tình thân. Vì yếu tố này mà những người làm việc tại trung tâm chính là người trao hơi ấm gia đình đến với mỗi trường hợp. Do đó, bên cạnh yếu tố thu nhập thì để có thể gắn bó với công việc này, người tham gia phải có tình thương thật sự với người được chăm sóc và yêu nghề.
Như chị Hoàng Vỹ trước đây là trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và lớn lên tại trung tâm, sau khi trưởng thành, chị đã quay về cùng những người đi trước tiếp tục công việc chăm sóc trẻ em hoàn cảnh kém may mắn ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Còn cô Trà Mây thì chia sẻ, cô có 2 con sinh đôi nay đã hơn 6 tuổi. Chồng cô đi làm xa, mỗi tháng mới về nhà được 1-2 lần. Dù việc chăm sóc con ở nhà đã vất vả song khi đến trung tâm, cô và mọi người không đơn thuần xem đây là công việc mà đó là quá trình chia sẻ tình thương của người mẹ với các trẻ kém may mắn nên ai cũng nỗ lực. Việc chăm sóc trẻ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, các tình huống như: trẻ nào hay nôn ói khi khóc, phải vệ sinh cho các cháu nhiều lần trong ngày, một trẻ khóc thì tất cả đều òa khóc theo… thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, các cô phải thay nhau ẵm, ôm ấp dỗ dành, tạo trò chơi cho các cháu. Công việc tuy cực nhưng niềm vui cũng rất lớn khi các cháu quấn quýt với người chăm sóc.
Ngoài ra, có người dù đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục gắn bó với công việc chăm sóc trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Trong số này có thể kể đến bà Nguyễn Thị Thắm và bà Nguyễn Thị Kim Loan sau khi nghỉ hưu vẫn đang tiếp tục với công việc chăm sóc trẻ ở trung tâm.
Nâng niu trẻ kém may mắn
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, tùy theo từng trường hợp về thể trạng, tuổi tác, tình trạng khuyết tật mà những người lao động tại trung tâm có cách chăm sóc sao cho phù hợp.
Cô Trà Mây, chia sẻ: ở trung tâm các cô hầu hết đã có gia đình, có con nhỏ trạc tuổi các cháu nên đều có kinh nghiệm thực tế để chăm sóc trẻ. Nhìn con mình có cha mẹ, ông bà yêu thương, trong khi ở đây các cháu chỉ có những người xa lạ chăm sóc nên ai cũng thương yêu. Tất cả đều rất ngoan, biết nghe lời, thích được các cô ẵm nên mọi người lại càng yêu thương nhiều hơn.
Như Nhã Phương mới vừa hơn 1 tuổi, đang trong quá trình tập đi. Em được các cô dìu cho những bước đi đầu đời. Hay Hào là trẻ nhỏ nhất ở trung tâm khi mới gần 3 tháng tuổi. Các cô tại trung tâm thay phiên trở thành người mẹ ẵm bồng và chăm sóc Hào. Còn Tuấn do cha mẹ thi hành án tù nên cậu bé 2 tuổi được đưa vào đây để chăm sóc. Khi mới vào, các cô phải bồng bế, dỗ dành và tập cho em tính tự lập khi vui chơi.
Cô Trà Mây cho hay, mỗi trẻ khi vào đây ở những độ tuổi khác nhau, thể trạng cũng không ai giống ai. Song tất cả đều là trẻ bị mất đi tình thương của cha mẹ ngay từ rất nhỏ. Hầu hết các bé đều không biết mặt người sinh ra mình. Để các bé phát triển tốt, tùy từng trẻ mà các cô có cách chăm sóc, theo dõi phù hợp.
Nguyễn Vân