Trái cây nhập khẩu đa dạng ở thị trường nội địa

Thứ năm - 10/03/2022 16:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thời gian gần đây, số lượng cửa hàng, chủng loại trái cây nhập khẩu ngày càng nhiều. Sản phẩm đa dạng, hình thức bắt mắt, trưng bày lịch sự, trái cây ngoại được nhiều người chọn mua dùng và làm quà biếu, tặng.
z3233793579421_bdb89e411ba447778f154a85d985c2c4.jpg
Người tiêu dùng chọn mua trái cây nhập khẩu tại Cửa hàng Thực phẩm sạch Smart Food
Giá cao, vẫn hút hàng
Cửa hàng Cherry Farm đường Phạm Văn Thuận có đầy đủ các loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Thái Lan. Loại rẻ nhất là lê Hàn Quốc có giá 160 ngàn đồng/kg và đắt nhất là cherry đỏ có giá 990 ngàn đồng/kg.
Anh Quân, nhân viên tại Cửa hàng Cherry Farm cho biết, sở dĩ cherry đỏ đắt vì loại này chứa nhiều vitamin A tốt cho sức khỏe, chỉ bảo quản được khoảng 1 tháng, ở Việt Nam không có sản phẩm, nên nhiều người chọn mua làm quà biếu.
“So với các loại trái cây khác, loại này đắt hơn rất nhiều, song người tiêu dùng vẫn chuộng bởi Việt Nam không có, hình thức đẹp, chất lượng ổn định, tốt với sức khỏe” - anh Quân nói.
Chị Trần Thơm, chủ Cửa hàng Thực phẩm sạch Smart Food trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, nhu cầu sử dụng các loại trái cây sạch, lạ ngày càng tăng. Chính vì vậy, cửa hàng đã nhập khẩu nhiều loại trái cây tươi, nước ép, quả sấy và hạt dinh dưỡng mà Việt Nam không có hoặc có ít về bán.
“So với vài năm trước, nhu cầu sử dụng trái cây nhập khẩu của người tiêu dùng tăng đáng kể. Cherry, kiwi hay nho đen không còn là thứ xa xỉ với người tiêu dùng ở các đô thị. Người ta có thể bỏ ra một vài triệu đồng mua giỏ trái cây về ăn, đi thăm bệnh, thậm chí sinh nhật bạn. Trái cây nhập khẩu không chỉ ngon, đẹp mà còn đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm sạch của người dùng” - chị Thơm nói.
Không chỉ các cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu, tại các chợ, siêu thị, số lượng, chủng loại trái cây ngoại cũng ngày càng nhiều.
Không hẳn đắt là ngon
Chị Vân Vân, chủ Cửa hàng Trái cây nhập khẩu Green Fruits trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, trái cây nhập khẩu có quanh năm vì thời gian thu hoạch ở mỗi quốc gia khác nhau. Đa phần được vận chuyển bằng đường hàng không nên đảm bảo độ tươi. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên biết mùa thu hoạch loại quả đặc trưng ở mỗi nước. Chẳng hạn mùa nho đen Mỹ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch. Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Huệ, P.Trung Dũng cho biết, trái cây nhập khẩu đắt hơn nhiều so với hàng Việt Nam. Chẳng hạn, dưa lưới Nhật Bản khoảng 300 ngàn đồng/kg trong khi hàng Việt Nam khoảng 50 ngàn đồng/kg, thanh long đỏ Việt Nam khoảng 30 ngàn đồng/kg trong khi thanh long vàng của Malaysia 120 ngàn đồng/kg, nho xanh Mỹ hơn 300 ngàn đồng/kg trong khi hàng Ninh Thuận chỉ khoảng 50 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều nguời, bỏ tiền mua “ngoại” vì trái cây nhập khẩu có vị ngọt đậm, mùi thơm, giòn, mọng nước hơn trái cây trong nước. Bảo quản tốt, đóng hộp lịch sự.
Hiện nay việc nhập khẩu và kinh doanh trái cây ngoại khá dễ dàng do ngày càng nhiều mối quan hệ hợp tác, trao đổi hàng hóa nông sản giữa Việt Nam với các nước được thiết lập. Người tiêu dùng cũng nhờ đó dễ dàng mua trái cây đặc sản của các nước với giá rẻ hơn trước. Ở góc độ khác, có ý kiến băn khoăn, trái cây nhập khẩu dù đi đường biển hay đường hàng không cũng không thể nhanh bằng xe ô tô từ miền Tây, miền Trung, Đà Lạt đến miền Nam. Xét về độ tươi chắc chắn hàng nội địa “ăn đứt”, về giá cả chi phí vận chuyển ô tô rẻ hơn nhiều so với máy bay. Về chất lượng, trái cây Việt Nam có chứng nhận GAP, được xuất khẩu đi các quốc gia ngày càng nhiều… Thế nhưng người tiêu dùng vẫn chọn ăn thanh long ngoại có giá 120 ngàn đồng/kg thay vì thanh long Bình Thuận giá chỉ 30 ngàn đồng/kg,
Việc người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền triệu ra mua trái cây ngoại bởi sản phẩm tươi, ngon, sạch hay chưa có niềm tin đối với trái cây trong nước. Câu chuyện này đặt ra nhiều vấn đề đối với người nông dân và doanh nghiệp. Người làm ra sản phẩm phải thay đổi thói quen sản xuất, chăm chút cho hình thức, chất lượng. Doanh nghiệp thay đổi thói quen bán hàng, thay vì bán xô, bán chục nên đầu tư vào khâu bảo quản, phân phối, đóng gói theo quy cách hàng xuất khẩu nhưng bán cho người tiêu dùng trong nước. Sự thay đổi này sẽ góp phần cải thiện hình ảnh, niềm tin trái cây Việt trong mắt người tiêu dùng, tăng thị trường tiêu thụ trong nước, từ đó giảm bớt rủi ro.
Nhiều người tiêu dùng suy nghĩ trái cây ngoại đắt vì ngon, sạch và tốt. Điều này không hoàn toàn đúng vì giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chi phí vận chuyển, đóng gói, phân phối. Không ít người dùng có tâm lý “sính ngoại” khi mua trái cây biếu tặng.

 Nam Vũ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây