Tình nghĩa xóm trọ

Thứ sáu - 17/06/2022 09:15
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Những công nhân xa quê vào Đồng Nai ở trọ lập nghiệp có tuổi đời, nghề nghiệp, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ luôn có chung nghĩa cử cao đẹp đó là san sẻ, giúp đỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Công nhân tại khu nhà trọ cùng nhau nấu ăn sau giờ tan ca
Công nhân tại khu nhà trọ cùng nhau nấu ăn sau giờ tan ca

Luôn giúp đỡ nhau

Công nhân Trần Văn Tựa (quê ở tỉnh Cà Mau), đang làm việc tại một công ty sản xuất gỗ ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa). Năm 2021, nhiều công nhân cùng xóm trọ anh Tựa đã lựa chọn con đường về quê lập nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, còn anh Tựa và một số lao động khác ở lại bám trụ với nghề và mảnh đất Đồng Nai. Dù gặp nhiều trở ngại về đời sống, thu nhập và sinh hoạt nhưng xóm trọ của anh vẫn quan tâm, giúp nhau cùng vượt khó.

“Có thời điểm tôi hết tiền sinh hoạt, các anh chị trong khu nhà trọ đã cưu mang tôi bằng cách hỗ trợ từng bữa ăn hàng ngày. Tôi rất cảm động, vì họ cũng khó khăn như mình nhưng vẫn chia sẻ từng chén cơm, thậm chí là gói mì cho nhau. Đến nay, dù công việc đã trở lại bình thường, họ vẫn dành cho tôi nhiều tình cảm, sự giúp đỡ và chia sẻ” - anh Tựa bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (quê tỉnh Hà Tĩnh) vào TP.Biên Hòa lập nghiệp những tháng đầu năm 2022 cho biết, những ngày đầu làm quen với cuộc sống nơi ở mới vô cùng khó khăn. “Chính nhờ mọi người trong khu nhà trọ giúp đỡ, xem nhau như một gia đình đã giúp tôi vượt qua khó khăn để thích nghi” - chị Hạnh bày tỏ.

Theo các chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế gia đình của nhiều công nhân. Với những người ở trọ lại càng khó khăn hơn. Hiểu và sẻ chia với những khó khăn ấy, nhiều chủ nhà trọ đã giảm giá, thậm chí miễn tiền phòng trọ. Khi công nhân trở lại với công việc, các chủ nhà trọ lại cho nợ tiền thuê trọ vài tháng để họ ổn định công việc. Việc làm nghĩa tình này khiến công nhân rất ấm lòng.

San sẻ kịp thời

Bà Nguyễn Thị Minh, chủ nhà trọ ở KP.2, P.Bình Đa (TP. Biên Hòa) cho hay thấy bà con ở trọ chủ yếu là lao động nghèo, thu nhập bấp bênh nên bà luôn giữ mức giá cho thuê trọ ổn định để họ an tâm và giảm bớt chi phí sinh hoạt. Chính vì vậy, nhiều công nhân xem nơi ở trọ như gia đình thứ 2 của mình, gắn bó nhiều năm không thay đổi chỗ ở.
Ông Nguyễn Văn Huê, đang ở trọ tại nhà bà Mình và kiếm sống dựa vào nghề bán vé số dạo bộc bạch: “Hơn 5 năm sống tại khu nhà trọ nhỏ này, ông luôn nhận được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần của chủ nhà trọ và các công nhân xa quê khác. Đặc biệt, thời điểm tâm dịch, chủ nhà trọ đã đi xin từng phần thực phẩm để hỗ trợ tôi và các dãy trọ kịp thời. Tôi mong nhiều người ở trọ cuộc sống khó khăn cũng được giúp đỡ như tôi để cuộc sống của mọi người luôn yên bình”.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, chủ nhà trọ tại ấp 2, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho hay, lao động xa quê, thiếu thốn nhiều thứ nhưng sống rất nghĩa tình. Vì vậy, hàng năm, những lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị bệnh, ông đều hỗ trợ tiền, quà, đồng thời nhận luôn nhiệm vụ trông trẻ cho công nhân tăng ca. Nhờ đó, công nhân yên tâm làm việc và tăng ca để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với sự đoàn kết của công nhân, nhiều năm nay, khu nhà trọ của ông luôn đạt danh hiệu khu nhà trọ văn hóa.

Tác giả: Phong Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây