Tín dụng chính sách đồng hành cùng nghề truyền thống

Thứ sáu - 07/07/2023 09:53
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Hiện tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh (Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh) là trên 4,4 ngàn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, nhiều gia đình làm các nghề truyền thống như: đan lát, gia công đồ gỗ, làm bún, bánh cuốn… đã được vay tín dụng chính sách để tiếp tục duy trì sản xuất.

Qua đó giúp người lao động có thu nhập ổn định để an tâm với nghề đã chọn.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tổ trưởng TKVV phụ trách KP.1 và KP.3, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa hướng dẫn tổ viên vay vốn chính sách
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tổ trưởng TKVV phụ trách KP.1 và KP.3, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa hướng dẫn tổ viên vay vốn chính sách

Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn chính sách

Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên cho hay, cho vay tạo việc làm hiện là chương trình có sức hút lớn nhất đối với người dân. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Trước tiên, các đơn vị chủ động xác định nhu cầu vay vốn từ chương trình này trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là trên 3,2 ngàn tỷ đồng.

Đặc biệt, cùng với nguồn vốn Trung ương phân bổ, từ đầu năm đến nay, UBND các huyện, thành phố đã tích cực bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo đó, từ đầu năm đến nay có 11 ngàn trường hợp được vay vốn tín dụng chính sách từ chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai. TP.Biên Hòa hiện chiếm gần 1/7 số lượng khách hàng vay của toàn tỉnh (hơn 1,6 ngàn gia đình vay với tổng số tiền gần 92,6 tỷ đồng).

Để tăng cường công tác giám sát đối với việc thực hiện tín dụng chính sách, tháng 6-2023, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị.

Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, việc ký kết giữa 2 đơn vị là cơ sở để tăng cường công tác triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả, tích cực. MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên sẽ phối hợp tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách nhằm đảm bảo nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến người đang vay vốn phải có trách nhiệm hoàn trả vốn, lãi đúng thời gian quy định, tính toán kỹ lưỡng trong sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai thực hiện đồng bộ thủ tục vay vốn chính sách theo hướng đơn giản hóa và thống nhất một mẫu hồ sơ, triển khai ứng dụng của Ngân hàng CSXH trên điện thoại di động đến với người dân. Điều này giúp người vay và các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (Tổ TKVV) dễ dàng tìm hiểu thông tin và thực hiện thủ tục cần thiết. Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cũng chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với cán bộ cơ sở.

Vốn chính sách thuận lợi đến với người làm nghề

Hàng chục năm qua, ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) là khu vực có tiếng về trồng chôm chôm. Chôm chôm tại đây thường cho thu hoạch sớm hơn so với những nơi khác trong tỉnh nên giá trị cây ăn trái này đem lại cho nông dân thường nhỉnh hơn những khu vực khác. Song do nhiều tác động mà người trồng gặp phải những khó khăn về vốn trong quá trình chăm sóc cây trồng.

Bà Võ Thị Phương Liên, Tổ trưởng TKVV tổ 11, 12 ấp Ngô Quyền cho hay, gần như 59 hội viên đang vay tổng số tiền trên 2 tỷ đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đều sử dụng tiền để chăm sóc chôm chôm. Đây như là một nghề truyền thống của bà con cũng như của chính gia đình bà.

Cũng theo bà Liên, nhờ vốn vay chính sách mà bà con có điều kiện chăm vườn cây ăn trái, góp phần giữ thương hiệu chôm chôm ấp Ngô Quyền từ nhiều năm qua.
Còn ở khu vực Hố Nai với các phường: Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) từ lâu đã phát triển nghề làm mộc.

Ông Phạm Hồng Đức (ngụ P.Tân Hòa) cho biết, gia đình ông có nghề sản xuất ghế lười hàng chục năm qua. Từ cuối năm ngoái đến nay, hàng của gia đình ông làm ra tiêu thụ chậm nhưng ông vẫn cố gắng duy trì sản xuất cầm chừng để vừa giữ nghề truyền thống của gia đình, vừa để 4 lao động gắn bó lâu năm duy trì được việc làm.

Tuy nhiên, hàng tồn nhiều nên ông thiếu vốn xoay vòng. Vậy nên ông liên hệ Tổ trưởng TKVV tại khu phố nơi sinh sống để làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy là Tổ trưởng Tổ TKVV phụ trách KP.1 và KP.3, P.Tân Hòa, với 53 thành viên vay vốn chính sách. Bà Thủy cho hay, vì địa bàn là nơi tập trung các cơ sở gia công, sản xuất đồ gỗ gia dụng và buôn bán nên hầu hết khách hàng vay vốn đều từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Số vốn này được người vay sử dụng vào việc mua hàng hóa để buôn bán và mua nguyên liệu, trang bị máy móc để sản xuất đồ gỗ tại nhà.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây