Tìm người vay vốn chính sách

Thứ hai - 27/02/2023 11:00
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Chủ động tìm kiếm, hỗ trợ người có nhu cầu vay vốn tiếp cận nguồn tiền chính sách với lãi suất ưu đãi để tự tạo việc làm, xây dựng công trình cơ bản, đầu tư cho giáo dục… tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH).

Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khen thưởng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khen thưởng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vay vốn chính sách tại Đồng Nai là trên 3,2 ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, trong năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tận dụng nguồn vốn trung ương, đồng thời ngân sách tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH tỉnh khoảng 200 tỷ đồng trở lên. Song song đó, hệ thống sẽ khuyến khích khách hàng đang vay và đã từng vay vốn chính sách duy trì gửi tiết kiệm hàng tháng để cùng tạo ra nguồn tiền đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, hiện cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo; hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình vay mua, xây dựng, cải tạo nhà ở xã hội; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội khác theo quy định của Chính phủ, ngân hàng CSXH đảm bảo đủ nguồn vốn để cho vay 100% số hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Riêng nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, qua thực tế khảo sát, nhu cầu vay vốn của các đối tượng khó khăn về việc làm, hộ đã thoát nghèo trên 3 năm, lao động nông thôn sau đào tạo nghề, quân nhân xuất ngũ, tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19 vừa qua có nhu cầu vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là rất lớn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, nhất là công nhân lao động tại các khu vực nhà trọ sớm có nơi ở ổn định thông qua các dự án, chương trình nhà ở xã hội. Do vậy, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát về các dự án nhà ở xã hội, số lượng người dân có nhu cầu, đặc điểm tình hình của từng huyện, thành phố, bố trí nguồn vốn chính sách… để từ đó thực hiện tốt chương trình cho vay thuê, mua nhà ở xã hội mà hệ thống ngân hàng CSXH đang triển khai.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cũng yêu cầu cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các chương trình tín dụng chính sách nhằm đưa thông tin đến với người dân. Từ đó, giúp người dân hiểu và tham gia vào các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai một cách có trách nhiệm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với những chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai gắn với đảm bảo không bỏ sót đối tượng song phải đúng với các quy định; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong công tác tín dụng chính sách…

Tăng tổng mức cho vay lên 10%

Chính vì nhu cầu vay vốn của người dân được dự báo tăng cao so với năm 2022, do vậy năm 2023, Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân vốn chính sách đối với các chương trình cho vay tăng 10% so với năm trước. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống Ngân hàng CSXH, các tổ chức nhận vốn ủy thác, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Lê Bá Chuyên cho biết, năm 2022, doanh số cho vay của ngân hàng đạt 2,63 ngàn tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2021. Điều này đồng nghĩa việc giải ngân vốn chính sách năm 2023 sẽ tăng hơn 260 tỷ đồng so với năm trước. Với mức vay bình quân hơn 40 triệu đồng/khách hàng như hiện nay thì hệ thống sẽ phải tăng thêm 6,5 ngàn khách vay vốn so với năm 2022.

Theo ông Chuyên, Đồng Nai là địa bàn công nghiệp, dịch vụ phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn thấp song nhu cầu vay vốn của nhóm đối tượng hộ thoát nghèo trên 3 năm rất lớn. Ngoài ra, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ và các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19 vừa qua rất cần được tiếp tục được hỗ trợ vốn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc đặt mục tiêu tăng số lượng khách vay vốn chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa góp phần thể hiện được tính rộng khắp, bao trùm, kịp thời và gần gũi của vốn chính sách trong hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tín dụng chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý cho vay - thu hồi nợ. Cụ thể, hệ thống ngân hàng CSXH cũng đặt mục tiêu đưa chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai và 11 phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện xếp loại tốt. Ngoài ra, duy trì 100% đơn vị cấp xã xếp loại chất lượng tín dụng tốt, không có đơn vị xếp loại yếu. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,25% tổng dư nợ. Đồng thời, hệ thống cũng phấn đấu và duy trì trên 97% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá, không có tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu. Thực hiện tốt 100% phiên giao dịch xã định kỳ theo quy định…

Để hoàn thành mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, cần phải quyết liệt, chỉ rõ địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn nào hoạt động chưa tốt, điểm nghẽn ở đâu, tránh nêu nguyên nhân và giải pháp chung chung. Điều này nhằm làm căn cứ đưa ra giải pháp đối với từng trường hợp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây