Tìm hướng xây dựng cầu Cát Lái

Thứ năm - 24/01/2019 22:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hơn 20 năm trước, Nhơn Trạch được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị loại II của Đồng Nai và cả nước. Tuy nhiên từ ngày “khoác áo” thành phố mới cho đến nay, “hình hài” một đô thị Nhơn Trạch năng động, phát triển vẫn chỉ nằm… “trên giấy”. Nguyên nhân chính khiến đô thị mới Nhơn Trạch chưa thể “cất cánh” chính là việc hạ tầng giao thông kết nối với Nhơn Trạch không tiến triển như kế hoạch.​

Đặc biệt, việc chưa có một cây cầu kết nối với TP. Hồ Chí Minh khiến Nhơn Trạch không thể bứt phá và phát triển. Theo nhiều chuyên gia, để Nhơn Trạch phát triển thực tế không khó. Chỉ cần sớm xây dựng cầu Cát Lái, mọi việc sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Khó phát triển vì... chưa có cầu

Nhơn Trạch có vị trí hết sức thuận tiện vì đây là điểm kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu và Long An. Với thế mạnh đó, năm 1996, đề án Thành phố mới Nhơn Trạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích lên đến hàng ngàn ha. Đô thị mới Nhơn Trạch được kỳ vọng sẽ là một thành phố mới phát triển nhanh chóng, là vệ tinh đắt giá của TP. Hồ Chí Minh, một  “khu Đông Sài Gòn” sầm uất.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng, hơn 20 năm qua, đô thị mới Nhơn Trạch vẫn “án binh bất động”. Nguyên nhân chính được đưa ra là do hệ thống giao thông kết nối của đô thị này với các khu vực xung quanh, nhất là với TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn chủ yếu “nằm trên giấy”.

Hiện nay và trong vài năm tới, muốn đến Nhơn Trạch từ TP. Hồ Chí Minh và ngược lại chỉ có phà Cát Lái, nhưng công suất phà và hạ tầng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu quá lớn. Mỗi ngày có tới 40.000 - 45.000 lượt xe qua phà này, dịp cao điểm lễ, Tết có khi lên tới 100.000 lượt và luôn xảy ra ách tắc.


Hiện nay, việc lưu thông trực tiếp từ TP. Hồ Chí Minh vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch và ngược lại phải thông qua phà Cát Lái nên mất rất nhiều thời gian, chi phí.

Do đó, cầu Cát Lái được đánh giá sẽ giúp tăng kết nối giao thông từ TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ, giúp giãn dân và biến Nhơn Trạch thành vùng ngoại ô của TP. Hồ Chí Minh, qua đó, sẽ đánh thức tiềm năng của Nhơn Trạch. Tuy nhiên, dự án giao thông quan trọng này hiện vẫn chưa thể triển khai xây dựng, dù đã có nhiều phương án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, hơn 20 năm qua, thành phố mới Nhơn Trạch chưa phát triển như quy hoạch là do thiếu hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là các tuyến cầu đường kết nối với TP. Hồ Chí Minh qua sông Đồng Nai. Hiện nay, các loại phương tiện lưu thông trực tiếp vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch qua phà Cát Lái tăng cao, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm hoặc các ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết. “Tình trạng này khiến người dân, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí”, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, để giải quyết tốt việc kết nối giao thông, đồng thời tạo động lực trong việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch, dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái là rất cấp bách, cần sớm được triển khai. “Đây là dự án quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa Đồng Nai - TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời kết nối giao thông với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau này”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nói.

Gỡ vướng để xây dựng cầu Cát Lái

Đầu tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải (GT-VT) TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GT-VT. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái vượt sông Đồng Nai, vị trí tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đến tháng 8-2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh và đề xuất được chủ trì tổ chức mời các nhà đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thay UBND TP. Hồ Chí Minh để dự án sớm được triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng cây cầu “động lực” này hiện vẫn gặp khó do tổng mức đầu tư quá lớn, dự kiến lên đến 7.200 tỷ đồng.

Trước vướng mắc này, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị đến Chính phủ về hình thức triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái. Vì đây là tuyến kết nối giữa 2 địa phương nên UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái.

Ngoài ra, do dự án có tổng mức đầu tư lớn nên việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi. Chính vì vậy, Đồng Nai kiến nghị tách dự án này ra làm 3 dự án thành phần.

Cụ thể, phần đường dẫn phía TP. Hồ Chí Minh dài 623m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT). Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m, quy mô mặt cắt ngang rộng 56m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT. Phần cầu chính, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức BOT. Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT. Quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP, đối với dự án nhóm A, áp dụng loại hợp đồng BT sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, trường hợp phần cầu chính phải triển khai theo hình thức BOT kết hợp BT, Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho HĐND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quyết định chủ trương triển khai thực hiện dự án. 

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây