Tìm giải pháp thích ứng với cuộc sống mới

Thứ sáu - 08/10/2021 09:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

 ​Trong 9 tháng qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp từng thời điểm nên việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đến nay đạt một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay vẫn hết sức khó khăn, các cấp ủy trong tỉnh đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để có các giải pháp hiệu quả cho cuộc sống “bình thường mới”, vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh. 

PBT TU thăm cty NET ã0821.jpg 
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và lãnh đạo H.Long Thành nắm bắt tình hình sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” ở Công ty cổ phần bột giặt NET.

 Khó khăn, thách thức từ dịch bệnh

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà thông tin, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của tỉnh trong 9 tháng qua tăng 21,02% so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu khoảng 2 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước được 48.938 tỷ đồng, đạt 104% dự toán năm và tăng 25% cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 991 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 xếp hạng 20/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2019.

Tình hình quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vừa qua, Công an Đồng Nai đã triệt phá được nhiều vụ án lớn có quy mô, tính chất liên vùng như các đại án về mua, bán xăng giả, ma túy và khởi tố hành vi “trốn thuế” đối với hệ thống kinh doanh dược phẩm lớn nhất trên địa bàn tỉnh…được cấp ủy, chính quyền và dư luận đánh giá cao, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, nếu 6 tháng đầu năm nay tình hình phát triển kinh tế- xã hội của TP.Biên Hòa tương đối thuận lợi thì sang quý III, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Biên Hòa. Hiện Biên Hòa có số ca F0 cao nhất tỉnh, với hơn 21 ngàn ca. Khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 11102/KH-UBND ngày 15-9-2021 về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Biên Hòa đã đặt mục tiêu đến ngày 30-9 có 50% số phường “bình thường mới” nhưng đến nay vẫn không đạt được mục tiêu này.
Đến nay TP. Biên Hòa đã thực hiện đạt và vượt 30/36 chỉ tiêu của năm nay; trong số 6 chỉ tiêu không đạt, có chỉ tiêu về huy động vốn đang gặp khó khăn, mục tiêu là huy động 30 ngàn tỷ đồng nhưng ước cả năm chỉ thực hiện được hơn 80% đề ra. Ngoài ra, Biên Hòa đang gặp khó về thu ngân sách, hiện nay mới thu được 76% dự toán năm, từ nay đến cuối năm chỉ còn gần 3 tháng nên ước cả năm chỉ thu được 85,7%. Do thu ngân sách không đạt nên đã ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của thành phố; dự báo thành phố bị hụt thu ngân sách 450 tỷ đồng.
Trước những vấn đề phát sinh từ dịch bệnh Covid-19, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đề xuất tỉnh nên đánh giá toàn diện công tác phòng, chống Covid-19 thời gian qua. Đồng thời, tỉnh nên nghiên cứu, có đề án về nâng cao năng lực hoạt động của cấp chính quyền ở cơ sở và có chế động chính sách phù hợp đối với tổ trưởng tổ nhân dân để đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tìm giải pháp thích ứng với cuộc sống mới
Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành cho hay, toàn huyện có 13 trạm y tế thì 12 trạm đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống mái nhà, điện, nước ở các trạm đã hư hỏng nặng vì cơ bản đều được xây dựng hơn 20 năm. Các trạm y tế chỉ bố trí được chỗ ngồi để bệnh nhân khám bệnh chứ không thể lưu trú, chữa trị bệnh nhân. Nếu chúng ta trở về trạng thái “bình thường mới” để từng bước khôi phục phát triển kinh tế- xã hội, chấp nhận sống chung với dịch thì thực trạng các trạm y tế như hiện nay rất khó đáp ứng yêu cầu sống chung với dịch nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trạm y tế cấp xã, vì đây là hệ thống y tế gần dân nhất.
Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt có ý kiến, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vừa qua không đạt yêu cầu đề ra do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống người dân gặp khó khăn. Đề nghị tỉnh có chính sách gia hạn, giãn nợ cho người dân khi hiện nay làm ăn không có lãi, không có điều kiện trả nợ ngân hàng.
Sở NN-PTNT, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ địa phương tăng cường giới thiệu các chuỗi liên kết cho huyện để kết nối thu mua nông sản và cung ứng dịch vụ, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng kiến nghị, đến thời điểm này Long Thành đã cơ bản kiểm soát được dịch. Khi trở về trạng thái bình thường mới, Long Thành cũng như toàn tỉnh thiếu nguồn lao động, do vậy lúc này địa phương đang tính toán để có nguồn lao động khi “mở cửa” lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đề nghị tỉnh xem xét lại việc “khoanh vùng”, nên khoanh vùng một cách nhỏ nhất, hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế- xã hội cả vùng. Khi khoanh vùng, chỉ phân làm 2 vùng: “xanh” và “đỏ”; “đỏ” thì siết chặt để chính quyền chăm lo điều trị và sẵn sàng nuôi “vùng đỏ”, còn “vùng xanh” thì hoạt động bình thường. Tỉnh cho H.Long Thành được thí điểm làm việc này. Hiện nay một ấp có nhiều tổ mà trong tổ chỉ 1, 2 hộ gia đình bị nhiễm Covid-19 mà khoanh cả ấp, cả xã là không ổn.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, trước tình hình hiện nay việc “mở cửa” lại các hoạt động sản xuất kinh doanh là cấp thiết, giúp công nhân an tâm ở lại sản xuất, giảm tình trạng công nhân tự ý bỏ về quê như những ngày qua. Trong những ngày tới khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn với Covid-19, UBND tỉnh kịp thời giao các đơn vị chức năng xây dựng biện pháp thực hiện phù hợp với tình hình của tỉnh. Khi xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn phải cụ thể, dễ hiểu để người dân và doanh nghiệp áp dụng dễ dàng. Đồng thời, cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, không để vì một số trường hợp chưa được hỗ trợ kịp thời mà kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, phủ nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua. 
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, dù 9 tháng qua, Đồng Nai đạt một số kết quả tích cực nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 2,91%, đây là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây. Phần lớn doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh, thiếu nguồn nguyên liệu (cả trong nước và nhập khẩu); sản xuất tồn kho không tiêu thụ được. Tại các khu công nghiệp, có 558 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, với tổng số lao động bị ảnh hưởng 491.725 người. Thu hút vốn đầu tư trong nước giảm, chỉ bằng 53% so với cùng kỳ; trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chỉ bằng 78,66% so cùng kỳ nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lại tăng 12,1%. Dự báo của các cơ quan chức năng, trước khó khăn của Covid-19 gây ra, tăng trưởng kinh tế của Đồng cả năm 2021 chỉ đạt khoảng 2%; thậm chí có thể tăng trưởng âm và dự kiến dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế trong những năm tiếp theo.

 

Dương An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây