Làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 4 đang diễn ra khắp cả nước, nguy cơ xâm nhập, len lỏi vào khu vực doanh nghiệp (DN), người lao động đã và đang hiện hữu trước mắt. Toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và một số khu vực đang phải phong tỏa tạm thời, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN.

Sản xuất tại một DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh
Trong bối cảnh đó, các DN buộc phải tiếp tục tìm cách thích nghi để có thể duy trì sản xuất, đồng thời cũng rất lo ngại chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa bị đứt gãy.
Tuỳ hoàn cảnh để thích nghi
Công TNHH Bao bì Ngọc Thanh Phước (Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, H.Trảng Bom) đang có đơn hàng dài hạn, công ty đã đầu tư trên 1 triệu USD để nhập máy móc sản xuất. Từ tháng 4-2021, DN đã ký được hợp đồng cung ứng bao bì cho 2 đối tác lớn nên đang tăng gia sản xuất. Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP.HCM, công ty có 12 lao động kỹ thuật là người đến từ TP.HCM nên đã chủ động sắp xếp cho số nhân viên này ở lại công ty. DN tiến hành xây dựng các khu nhà lưu trú để hỗ trợ công nhân lao động ở Đồng Nai, Bình Dương thuộc các khu vực cách ly ở lại và đài thọ các chi phí liên quan trong đợt dịch. Đặc biệt, toàn thể người lao động trong công ty đã được công ty tạo điều kiện tiêm vaccine ngừa Covid-19, giúp họ yên tâm hơn với việc tập trung cho sản xuất.
Đối với Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), hiện có 2 nhà máy tại KCN Biên Hòa 2 và KCN Nhơn Trạch 3 cũng có nhiều công nhân ở trong khu vực phong tỏa. DN chấp nhận ngưng tạm thời một số dây chuyền sản xuất để đảm bảo chống dịch. Công nhân khu vực phong tỏa được công ty cho nghỉ và khuyến cáo thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Một DN khác, Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (KCN Amata, TP.Biên Hòa) có một nửa nhân viên và ngay cả giám đốc công ty cũng ở khu vực đang phong tỏa. Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc công ty cho hay, để đảm bảo sản xuất và an toàn sức khỏe, cũng như tuân thủ quy định của chính quyền, số lao động này được cho nghỉ, số còn lại đảm nhận công việc thay thế một cách hợp lý dựa trên sự sắp xếp lại công tác sản xuất. “Tạm thời sắp xếp lại sản xuất phù hợp, ở nhà tuân thủ giãn cách, cách ly cũng là giải pháp tích cực đồng hành cùng địa phương nhằm làm cho dịch bệnh sớm được giảm thiểu” - ông Minh mong muốn.
Lo đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá
Hiện nay, dịch bệnh đang lây lan trên diện rộng, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã bước vào giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan, đặc biệt có những DN với hàng chục ngàn công nhân lao động đã xuất hiện ca nhiễm như Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty CP Taekwang Vina Industrial…cũng đã có ca lây nhiễm, phải tạm ngưng sản xuất và đang cấp tốc xét nghiệm cho người lao động. DN rất lo lắng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho sản xuất và cả tiêu thụ của DN thêm hiện hữu.
Về toàn cảnh, theo Cục Thống kê Đồng Nai, nửa đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp cả tỉnh tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng 5,1% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,78% (ngành chiếm tỉ trọng cao nhất ngành Công nghiệp). Một số ngành sản xuất chủ lực có sự phục hồi rõ nét như: giày da; dệt, sản xuất trang phục; sản phẩm từ cao su và plastic; giường, tủ, bàn, ghế… Một số khác do tiêu thụ khó khăn nên tăng trưởng chậm.
Bên cạnh đó, một số ngành giảm mạnh là sản phẩm điện tử giảm 11,43%, nguyên nhân do sản phẩm tồn kho nhiều, khó tiêu thụ và hợp đồng sản xuất vẫn còn hạn chế. Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 12,2% do các DN giảm sản lượng điện sản xuất theo chỉ định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nam Vũ