Tiêu dùng thông minh khi mua sắm online

Thứ năm - 31/03/2022 10:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Tiện ích của mua sắm online là tiện dụng, đa dạng, nhiều khuyến mãi hấp dẫn, dễ mua và ngày càng phát triển, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát... đã dẫn đến không ít người tiêu dùng trở nên sa đà, mê muội “chốt” hàng quá tay, dẫn đến lãng phí, vượt khả năng chi tiêu tài chính.

31-3 Tiêu dùng thông minh khi mua sắm.jpg?t=1752456061
Hàng thời trang là sản phẩm được quảng cáo và giảm giá nhiều nhất nên nhiều chị em bị sa đà, “chốt” hàng quá tay gây lãng phí

* Nhiều hấp dẫn khi mua sắm online

Để đẩy mạnh kênh bán hàng online, nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội (MXH), các sàn thương mại điện tử. Do đó, mỗi khi lướt MXH hoặc đọc thông tin trên máy tính, điện thoại, lập tức nhiều mặt hàng bán online giảm giá, khuyến mãi xuất hiện khiến người dùng phải chú ý. Đặc biệt, khi người dùng quan tâm một sản phẩm hoặc một loại hàng hóa nào đó thì ngay lập tức, các trang MXH thường xuyên đưa ra hàng loạt sản phẩm, mặt hàng có kiểu dáng, công dụng tương đương hấp dẫn người tiêu dùng mua hàng.

Một người có nhiều năm kinh doanh hàng online ở P.Quyết Thắng “bật mí”, chiêu dùng giá với đuôi số 9 khiến nhiều người “say nắng” với việc mua hàng online. Thay vì giá 50 hoặc 100 ngàn đồng, nhưng người bán chỉ để giá 49 và 99 ngàn đồng... nhằm dễ gây cảm giác giá rẻ, dù chỉ là rẻ hơn... 1 ngàn đồng, không đáng kể. Kế đến là freeship khi mua từ 2-3 sản phẩm. Thay vì mua 1 món hàng hết 200 ngàn đồng và tốn 30 ngàn phí ship, nhưng để được miễn tiền ship 30 ngàn đồng thì người mua lại phải bỏ ra 600 ngàn đồng... Và thời gian gần đây, nhiều shop bán hàng online đã cam kết cho khách kiểm tra hàng trước khi thanh toán, thích thì lấy, không ưng thì trả lại mà không tốn phí... càng khiến các “thánh” nghiện hàng online siêng “chốt” hàng hơn.

Theo kinh nghiệm của một số người “nghiện” mua hàng online, người tiêu dùng online dễ bị cuốn vào 3 “chiêu” sau: tâm lý ham rẻ, miễn phí giao hàng (freeship) và cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán... khiến người mua chủ quan “lấy về không ưng thì trả lại hàng” rồi  thẳng tay “chốt” hàng.

Dù tủ giày dép, quần áo, giỏ xách đã chật kín nhưng mỗi khi thấy shop thời trang, giày dép quảng cáo giảm giá là không ít chị em lại sa đà vào việc mua sắm online. Là  “tín đồ” nghiện mua sắm online, chị Trần Thị Thảo (ngụ P. An Bình, TP.Biên Hòa) ngày nào cũng lướt qua các gian hàng trên mạng xã hội. Chị Thảo “thú nhận”, chị không chỉ nghiện mua sắm mà nhiều khi không cưỡng được việc “chốt” một lúc 2-3 sản phẩm cùng kiểu nhưng khác nhau vì không biết nên lấy sản phẩm màu nào, bỏ sản phẩm màu nào... Nhất là từ khi nhiều shop cho kiểm hàng trước khi thanh toán, việc chị Thảo lại càng mạnh tay “chốt” hàng vì nghĩ hàng về không ưng thì trả lại.

Hiện có không ít người “nghiện” chốt hàng như chị Thảo và xem việc “dạo” và mua sắm online là niềm vui mỗi ngày, dẫn đến tình trạng hàng mua về không dùng tới vì quá nhiều và đặc biệt là hao hụt tài chính, ảnh hưởng đến chi tiêu và tiết kiệm trong gia đình. Cá biệt, có người hết cả nửa tháng lương hoặc phải đi vay mượn để trả tiền hàng vì lỡ “chốt” hàng quá tay.

* Cân nhắc trước khi “chốt” hàng

Một thực tế cho thấy, vì “nghiện” mua sắm online nên nhiều người có xu hướng mua những thứ mình thích chứ không hẳn những thứ cần thiết. Sau một hồi dạo chợ, không mua thấy thiếu thiếu nên phải “chốt” một thứ gì đó để thỏa mãn sở thích nhất thời. Chẳng hạn đặt rất nhiều đồ ăn khi nhà chuẩn bị có khách, đặt mua nhiều trang phục, vật dụng cho một chuyến đi chơi nhưng lại không có điều kiện dùng đến, hay thích mua đồ dùng nhà bếp thật đầy đủ nhưng chẳng mấy khi vào bếp nấu nướng...

Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều người, nhiều gia đình thu nhập giảm sút, kinh tế khó khăn... thì cách tiêu xài thông minh trước sức hấp dẫn của thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú chính là ý thức của mỗi người khi “chốt” hàng online.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chia sẻ, trong điều kiện dịch bệnh nhưng nhu cầu tiêu dùng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình vẫn hiện hữu. Vì thế, việc đi chợ trực tiếp hay trực tuyến đều là những hoạt động bình thường và cần thiết. Chuyện “chốt” hàng chỉ thực sự gây phiền toái cho bản thân và gia đình khi người mua hàng không tính đến sự hữu dụng của nó, mà chỉ mua sắm vì... thích.

Để tránh “chốt” hàng quá tay gây lãng phí tiền bạc, theo khuyến cáo của ông Phạm Gia Hải, người tiêu dùng chỉ thực hiện giao dịch khi bản thân, gia đình thực sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm, cân nhắc kỹ trước khi “chốt” đơn hàng cũng như lưu ý khi đặt số lượng. Không nên mua những loại hàng khi ở nhà đã có sản phẩm tương tự, đặc biệt là thực phẩm không nên mua số lượng nhiều vì để lâu hoàn toàn không tốt.

Để hạn chế tình trạng “chốt” hàng quá tay vì thích, người tiêu dùng khi mua những thứ hàng ngoài nhu cầu cấp thiết cơ bản hằng ngày như thực phẩm, thuốc men thì nên tự trả lời các câu hỏi đại loại như: mua món hàng này để làm gì, tần suất sử dụng sản phẩm này như thế nào, tiền chi mua sản phẩm này lấy từ khoản nào, có ảnh hưởng đến những nhu cầu cần thiết khác không... Việc này sẽ giúp tránh lãng phí tiền bạc và làm cho nhà cửa của mình thêm chật chội bởi phải chứa những món đồ mua vì... “nghiện”.

Lam Khuê

Theo Cục Quản lý thị trường, các trang bán hàng online đang nở rộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua bán hàng hóa thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng này rất khó khăn. Bởi người bán hàng thường ở một nơi và hàng hóa được để nơi khác nên hầu như lực lượng chức năng khó tiếp cận; nhất là giao dịch đều thực hiện qua MXH, không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng nên không có căn cứ để xử lý. Do đó, khi mua hàng online, người tiêu dùng cần chọn mua ở những trang mạng bán hàng có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây