Tiếp tục tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân; Ngăn ô nhiễm sông Buông

Thứ hai - 31/07/2023 10:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTTĐT-Đồng Nai) - Với chiều dài hơn 52km, nhiều năm qua, sông Buông hiền hòa chảy qua TP.Long Khánh, H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa, mang theo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tự nhiên và tạo cảnh quan cho các địa phương ven sông. Đồng thời, dòng sông này cũng là nơi tiêu thoát nước chống ngập cho nhiều khu vực nơi nó chảy qua. Thế nhưng, dưới tác động của tình trạng xả thải bừa bãi, sông Buông đang ô nhiễm ngày càng nặng nề.

Nguồn nước sông Buông đang bị ô nhiễm bởi nhiều nguồn thải
Nguồn nước sông Buông đang bị ô nhiễm bởi nhiều nguồn thải

* Nhiều loại chất thải được “tống” thẳng ra sông
 
Thời gian qua, lãnh đạo địa phương và người dân P.Phước Tân vẫn băn khoăn về nguy cơ nước sông Buông tiếp tục bị ô nhiễm do hiện nay vẫn còn nhiều nguồn xả thải ô nhiễm đang từng ngày gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước của dòng sông này.

Đã hơn 50 năm sống ở ven sông Buông, ông Trần Chí Trung (ngụ KP.Miễu, P.Phước Tân) cho biết, khoảng chục năm trước, sông Buông rất rộng, nước sạch và trong. Nhưng rồi tình trạng xả thải ô nhiễm từ các hoạt động khai thác đá, các trang trại chăn nuôi, rác thải và tình trạng lấn sông để xây dựng… đã khiến sông Buông ngày càng ô nhiễm. Mấy năm gần đây, nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động chế biến kinh doanh khoáng sản tập trung ở ven sông, tập kết vật liệu xây dựng, lọc rửa cát, đá rồi xả nước ô nhiễm xuống sông Buông khiến chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi. “Những ngày cao điểm nắng nóng, nước sông cạn sẽ thấy rõ lòng sông đen và đặc quánh vì ô nhiễm, tỏa ra mùi hôi rất khó chịu” – ông Trung cho biết...
 
Tình trạng nguồn nước sông Buông nhiều đoạn bị ô nhiễm nặng khiến nhiều hộ dân không thể dùng nước sông tưới vườn cây hay nuôi thủy sản, dẫn đến khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt.

Bà Võ Thị Manh, (ngụ KP. Đồng) cho hay, nhà bà có gần 1 ngàn m2 đất, trước đây trồng nhiều loại cây ăn trái như: mít, mãng cầu, xoài… và dùng nước sông để tưới, nhưng do nguồn nước ô nhiễm nên vườn cây cứ lụi dần. Sau thời gian dài bỏ hoang đất, mới đây bà Manh chuyển sang trồng rau, nhưng dùng nước máy để tưới chứ không dám dùng nước sông.
 
Cuối tháng 3-2023, UBND TP.Biên Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 140 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tài Nguyên Xanh Toàn Cầu về 2 hành vi rửa đá không có giấy phép môi trường theo quy định và xây lắp, lắp đặt thiết bị đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường sông Buông; đồng thời, đình chỉ hoạt động và buộc di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch.

Việc UBND TP.Biên Hòa xử phạt nghiêm một doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước sông Buông, lãnh đạo địa phương và nhiều người dân P.Phước Tân tỏ ra rất đồng tình. Đa phần ý kiến đều ủng hộ các biện pháp quyết liệt của tỉnh và TP.Biên Hòa; đồng thời cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm sông Buông là vấn đề cấp thiết. Người dân kiến nghị, để cứu sông Buông, cần rà soát tất cả các nguồn xả thải gây ô nhiễm dòng sông.
 
* Cần rà soát tất cả nguồn xả thải gây ô nhiễm
 
Tình trạng sông Buông ô nhiễm kéo dài nhiều năm qua, nhưng nặng nề nhất là từ năm 2019. Chủ tịch UBND P.Phước Tân Lê Kim Hường cho biết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nói chung và gây ô nhiễm nguồn nước sông Buông nói riêng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân là không thể chấp nhận được.
 
Theo ông Hường, hiện dọc sông Buông, đoạn qua P.Phước Tân có 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400ha. Trong đó, một số đơn vị, doanh nghiệp đã, đang trực tiếp và gián tiếp gây nên tình trạng ô nhiễm sông Buông.
 
Về nguồn thải gây ô nhiễm sông Buông, theo thông tin từ Sở TN-MT, nước sông Buông bị ô nhiễm bởi nhiều nguồn thải. Theo kết quả quan trắc môi trường sông Buông năm 2022 của Sở TN-MT, chỉ số chất lượng nước (WQI) ghi nhận ở mức từ xấu đến trung bình. Vị trí gần khu vực hợp lưu sông Buông với sông Đồng Nai chất lượng nước ở mức trung bình, hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng tuy trong ngưỡng nhưng chất lượng nước bị giảm.
 
Các vị trí tại cầu An Viễn (H.Long Thành), cầu Khu du lịch Giang Điền (H.Trảng Bom) và cầu Sông Buông (TP.Biên Hòa), chỉ số chất lượng nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ do phải “gánh” nhiều nguồn thải từ chăn nuôi, sinh hoạt của con người, chế biến khoáng sản ven sông…
Đặc biệt, dọc bên bờ sông Buông đoạn qua P.Phước Tân và P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) có nhiều cơ sở hoạt động lọc rửa đá, cát, kinh doanh bãi chứa vật liệu xây dựng, khiến cho dòng sông luôn bị ảnh hưởng ô nhiễm. Trước đó, vào năm 2021, đoàn liên ngành của TP.Biên Hòa đã kiểm tra đột xuất các điểm tập kết vật liệu xây dựng dọc con sông này và phát hiện 7 doanh nghiệp, cơ sở tập kết vật liệu cát, đá không bảo đảm các quy định về môi trường.
 
Hiện lãnh đạo TP.Biên Hòa chỉ đạo Phòng TN-MT thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, bãi cát, đá dọc sông Buông; kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Những doanh nghiệp tái gây ô nhiễm môi trường, UBND TP.Biên Hòa sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét khởi tố nhằm tạo sự răn đe chung.

Tác giả: Lam Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây