Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, việc tiếp cận được vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ tín dụng phục vụ tái đầu tư sản xuất, kinh doanh sau 1 năm phải chống chọi với những tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các gói tín dụng, phương án hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, các TCTD trong tỉnh còn cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 2-2021 đạt hơn 121,9 ngàn tỷ đồng cho trên 27,6 ngàn khách hàng, lãi suất thấp hơn mức phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch Covid-19.Đặc biệt, với việc Thông tư 03 mới được NHNN ban hành trong tháng 4 vừa qua sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Thông tư này có nhiều điểm mới so với Thông tư số 01/2020/TT-NHNN trước đó vốn vẫn còn tồn tại nhiều tồn tại, hạn chế. Thông tư 03 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17-5-2021.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Thông tư 03 có nhiều điểm mới. Trong đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 31-12-2021.
Đồng thời, các TCTD được quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31-12-2021.
Về việc giữ nguyên nhóm nợ, theo thông tư này, các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-1-2020 đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 23-1-2020 thuộc diện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 29-3-2020. Ngoài ra, các TCTD cũng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23-1-2020 đến trước ngày 10-6-2020 theo quy định.
“Đặc biệt, Thông tư 03 còn bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro. Các TCTD phải trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại đối với phần được giữ nguyên nhóm nợ và kết quả phân loại đối với dư nợ còn lại của khách hàng. Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương thì TCTD phải trích bổ sung theo lộ trình trong 3 năm và đến cuối năm 2023, trích đầy đủ 100%” - Ông Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.
Nam Hữu