Tích cực trong lao động sáng tạo

Thứ năm - 15/06/2023 10:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở khắp mọi miền của Tổ quốc và trên địa bàn tỉnh nhà.
Đáng ghi nhận trong đó là rất nhiều nông dân, công nhân đã tích cực thi đua lao động sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vươn lên trong cuộc sống và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương, của tỉnh.
Nông dân Trần Anh Trung (phải) trao đổi về mô hình VietGAP trên cây sầu riêng tại lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước của huyện Long Thành
Nông dân Trần Anh Trung (phải) trao đổi về mô hình VietGAP trên cây sầu riêng tại lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước của huyện Long Thành

Tích cực cải tiến, sáng tạo
Anh Võ Văn Duýnh, làm việc tại Công ty TNHH TKG Taekwang JinHeoung Vina (TP.Biên Hòa) cho biết: “Trong quá trình làm việc, từ thực tế sản xuất trên chuyền, tôi luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo để đưa ra cải tiến mang lại hiệu quả nhất cho công ty và người lao động”.

Cũng nhờ vậy, nhiều năm qua, anh đã cho ra đời nhiều sáng kiến hữu ích, giúp tiết kiệm chi phí cho công ty và thời gian làm việc của người lao động. Điển hình như: sáng kiến cải tiến dao cắt chi tiết Insect của Model Presto hay sáng kiến cải tiến tiết kiệm nguyên vật liệu của mã hàng Air Max Pre… Các sáng kiến của anh đều được công ty đánh giá cao và khen thưởng. Năm 2022, anh còn được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.

“Mặt khác, trong cương vị Ủy​ viên Ban Chấp hành Công Đoàn cơ sở Công ty, nêu cao trách nhiệm, tôi luôn tích cực nắm bắt tình hình và giải quyết tốt nhất các vấn đề khúc mắc liên quan tới chính sách của công ty và công đoàn. Tích cực tham gia thương lượng, triển khai nhiều chương trình, chính sách thiết thực nhằm chăm lo cho công nhân lao động. Qua đó, nhằm góp sức xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp”- Anh Võ Văn Duýnh bộc bạch.

Trong khi đó, nhiều năm nay, anh Trần Thanh Nhàng luôn được bình chọn là công nhân ưu tú của Công ty TNHH Saite Power Source Việt Nam (H.Long Thành). Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh Nhàng còn luôn tìm tòi, đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến làm lợi cho công ty. Có thể kể đến sáng kiến cải tiến vị trí xuống giàn ắc quy nạp điện đã mang lại hiệu quả sản xuất cao, giúp số nhân công tại vị trí cũ giảm đi một nửa so với trước. Cùng với đó là sáng kiến cải tiến dụng cụ bù axit và bù keo. Theo đó, trước đây công đoạn tra axit và keo của bình ắc quy lớn phải làm thủ công và mất nhiều thời gian, công nhân khi thao tác có thể bị axit dính vào tay, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Sáng kiến của anh ra đời đã giảm đáng kể thời gian, công sức của công nhân, cải thiện được khuyết điểm của cách làm thủ công trước kia, giúp làm lợi cho công ty 280 triệu đồng/tháng.
Công nhân Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam trong giờ sản xuất
Công nhân Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam trong giờ sản xuất

Đi đầu trong thực hiện mô hình VietGAP
Nông dân Trần Anh Trung (ngụ ấp Bàu Tre, xã Bình An, H.Long Thành) tâm niệm: “Muốn thi đua yêu nước thì trước hết bản thân phải nỗ lực phát triển kinh tế gia đình mình trước. Khi kinh tế gia đình mình vững mạnh, gia đình hạnh phúc thì mới có thể đóng góp cho xã hội, cho địa phương”. Đó cũng chính là lý do mà anh Trung mạnh dạn đi đầu trong thực hiện mô hình VietGAP trên cây sầu riêng.

Anh Trung kể, nhiều năm về trước, vườn sầu riêng 3ha của gia đình anh chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống, manh mún, hiệu quả không cao, trong khi đòi hỏi của thị trường ngày càng cao. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và sự nỗ lực của chính mình, anh tích cực học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mỗi ngày. “5 năm qua, vườn sầu riêng của tôi luôn cho ra những sản phẩm chất lượng, năng suất cao. Tổng sản lượng khoảng 50-60 tấn và mang về thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí vẫn còn lợi nhuận tốt” - anh Trung chia sẻ.

Khi điều kiện kinh tế tốt hơn, anh Trung tích cực tham gia các phòng trào từ thiện xã hội tại địa phương. Từ đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn cho đến hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nghèo, chăm lo đời sống người khó khăn…, người nông dân này đều tích cực tham gia.

Trong khi đó, là Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa Bàu Kiên (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Hùng đã tích cực vận động các thành viên tổ hợp tác tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa. Qua đó đã giúp năng suất trung bình trên 1ha của các hộ trong tổ hợp tác tăng 1,5 lần so với trước đó; doanh thu của các hộ cũng nâng lên gần 36 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với các hộ không tham gia. Ngoài ra, ông cùng với Phòng Nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái giúp giảm chi phí nhân công, đảm bảo an toàn sức khỏe…

Tác giả: Trang Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây