Tích cực đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật

Thứ bảy - 30/10/2021 12:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi các ĐBQH khóa XV tập trung trí tuệ, tích cực đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật như lời hứa trước cử tri lúc đi vận động bầu cử.

cdca8f9aede125bf7cf0.jpg 
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thảo luận trong một phiên họp tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV
Kỹ lưỡng, chu đáo trong công tác chuẩn bị
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống, công tác tham gia xây dựng các dự án luật ngày càng được chú trọng. Phát huy tinh thần từ Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng vào các dự án luật bằng các hình thức khác nhau.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh phân công từng ĐBQH theo lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng dự án luật, góp ý đối với các dự án luật thông qua, cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội. Đoàn cũng phân công các ĐBQH trong đoàn nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia có chất lượng vào các dự thảo luật trình tại các kỳ họp Quốc hội.
Trong điều kiện hầu hết ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm và không phải ĐBQH nào cũng có đầy đủ kiến thức trên nhiều lĩnh vực mà các dự án luật điều chỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên nghiên cứu, cải tiến phương pháp tổ chức, cách thức tiến hành lấy ý kiến, huy động được nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia tư vấn tham gia.
Theo Đoàn ĐBQH tỉnh, nhiều ý kiến tham gia có chất lượng, sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao, làm rõ mục đích, yêu cầu và nội dung trọng tâm của từng dự án luật được ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, giải trình, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.
Cũng theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống, thời gian qua, trong quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý tham gia xây dựng các dự án luật của Đoàn ĐBQH tỉnh đều có sự tham gia của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tích cực sôi nổi trong thảo luận tại kỳ họp
Từ việc luôn chuẩn bị kỹ các nội dung để tham gia có trách nhiệm vào chương trình nghị sự của mỗi kỳ họp; đồng thời, xuất phát từ lợi ích của đất nước, của người dân, trên cơ sở thực tiễn của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, các ĐBQH tỉnh đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng… trong các buổi thảo luận trực tuyến, thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội.
Tại mỗi buổi thảo luận của kỳ họp đều có các đại biểu khách mời là đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan để cùng các ĐBQH tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật.
Điển hình như trong 2 phiên họp liên tiếp ngày 26 và 27-10 mới đây, Đoàn ĐBQH tỉnh đã liên tiếp đăng ký phát biểu tại các phiên thảo luận trực tuyến. Trong đó, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp ý với ban soạn thảo về những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng luật cũng như đánh giá tác động của việc sửa luật đối với xã hội.
Khi bàn đến tính cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường nêu: Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 đã quy định khá chi tiết, nhưng vẫn chưa đầy đủ, khoa học về phạm vi, mức độ, quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến bên cạnh những mặt tốt còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đại biểu phân tích rõ các hạn chế đó và nhấn mạnh cần thiết phải kịp thời ban hành luật để nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Trước những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều, ĐBQH tỉnh thẳng thắn nêu và bảo vệ quan điểm của mình. Chẳng hạn như việc có nên trang bị máy bay, tàu bay cho lực lượng cảnh sát cơ động hay không, có ý kiến của đại biểu địa phương khác cho rằng không nên vì lo sợ sẽ lãng phí, tốn kém tài chính của đất nước. Phát biểu trước Quốc hội, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường tỏ rõ quan điểm cần thiết phải trang bị vì đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra và để hướng tới xây dựng đội ngũ cảnh sát cơ động tinh nhuệ, hiện đại, kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trong tình hình mới. Ý kiến của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận được nhiều sự đồng tình từ nhiều ĐBQH khác trong cả nước.
Bên cạnh đó, tại các kỳ họp, không chỉ tham gia bàn sâu về các dự án luật được trình tại kỳ họp, các ĐBQH tỉnh còn mạnh dạn, thẳng thắn, tâm huyết đề xuất thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh.
Trong lần tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận trực tuyến về 4 dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế trong phiên họp ngày 27-10, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, bày tỏ sự nhất trí cao với việc trình các dự thảo nghị quyết nói trên để Quốc hội xem xét thông qua; đồng thời, đề nghị Chính phủ giải trình thêm một số vấn đề mà trong báo cáo tác động chưa đánh giá rõ.
Từ thực tiễn khó khăn, tổn thương nặng nề tại các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do tác động bởi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, đại biểu Bùi Xuân Thống đã mạnh dạn, thẳng thắn kiến nghị Chính phủ cần bổ sung chính sách, đặc biệt là tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để các tỉnh, thành có thêm nguồn lực sớm hồi phục, trở thành đầu tàu kinh tế của đất nước.
Trang Thư

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây