Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội

Thứ năm - 15/04/2021 15:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Vài năm trở lại đây, việc tổ chức cưới văn minh, hạn chế hủ tục rãi vàng mã, và tình trạng ăn xin, mê tín dị đoan ở lễ hội… đã trở thành phong trào được đông đảo nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của nhân dân, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
1d93c339a7de55800ccf.jpg
Mô hình câu lạc bộ thanh niên phục vụ đám cưới tại xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất
Nhân dân chung sức, đồng lòng
Nếu như trước đây việc tang trên địa bàn H.Trảng Bom còn có những hủ tục như: Đốt vàng mã số lượng lớn, đám rước kéo dài, người chết để trong nhà quá lâu thì hiện nay, việc tang đã được thực hiện theo đúng quy ước, hương ước. 95% gia đình có đám hiếu, lễ tang được tổ chức chu đáo, nghiêm trang, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, đạo lý. Các hủ tục lạc hậu cơ bản đã được loại bỏ, nhất là không sử dụng tăng âm loa đài đối với các hoạt động của ban nhạc hiếu.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Trảng Bom Phạm Thị Lệ Thủy, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các xã, thị trấn, ban vận động ấp, khu phố đã tích cực tuyên truyền những quy định cụ thể gắn với bình xét danh hiệu ấp, khu phố văn hóa; gia đình văn hóa. Khi một gia đình có đám tang, các đoàn thể, ấp, khu phố hỗ trợ, giúp đỡ gia đình này tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm. Không có trường hợp lợi dụng tâm linh để tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan trong việc tang.
Chị Thái Thị Cẩm Vân (làm việc tại Văn phòng Đảng ủy P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) là một trong những người trẻ mới đây đã tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Chị Vân cho biết, là đoàn viên thanh niên, bản thân chị phải xung kích đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cưới văn minh, giản dị là hình thức được địa phương khuyến khích trong giai đoạn hiện nay, vừa giúp người trẻ tiết kiệm chi phí khi bước vào cuộc sống hôn nhân vừa phù hợp với xu hướng xã hội, đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí nếp sống mới.
Đây là mô hình thiết thực và ý nghĩa. Không chỉ nêu cao ý thức cộng đồng, nhất là đoàn viên, thanh niên mà còn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo gương Bác Hồ vĩ đại” - chị Vân chia sẻ.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai cho hay, hiện việc kết hôn trên địa bàn thành phố thực hiện theo đúng độ tuổi quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Các nghi lễ trong việc cưới được đơn giản, gọn nhẹ từ việc tổ chức nhiều lễ đã giảm xuống còn 2 lễ (hỏi và cưới). Tình trạng xem tướng số vẫn còn nhưng chỉ mang tính chất tham khảo, không hoàn toàn quyết định cho việc đi đến hôn nhân của cô dâu và chú rể. Cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước không để việc tổ chức lễ cưới ảnh hưởng đến giờ làm việc và không dùng công quỹ làm quà mừng.
“Riêng đối với lễ hội, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa thường xuyên có văn bản chỉ đạo các phường, xã hướng các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (hơn 610 cơ sở) trên địa bàn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tổ chức hoạt động văn hóa. Do đó, việc tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực. Các lễ hội không kéo dài quá 3 ngày, nghi thức diễn ra nghiêm trang, thiêng liêng. Hành vi mê tín dị đoan, bói toán, xin xăm, xin quẻ giảm đáng kể” - bà Huỳnh Mai bộc bạch.
589c9495f772052c5c63.jpg
Lễ hội đình Tân Lân hàng năm diễn ra nghiêm trang, thiêng liêng không xảy ra việc mê tín dị đoan, bói toán, xin xăm
Lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng
Nhằm chung tay xóa bỏ các hủ tục, thực hiện việc cưới văn minh cho người trẻ, những năm qua Tỉnh đoàn đã tăng cường chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tích cực vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội. Trong đó, tập trung triển khai cuộc vận động Cưới văn minh, tiết kiệm, tuyên truyền đến tận các hộ dân, nhất là những hộ chuẩn bị có thành viên lập gia đình. Hoạt động này được đông đảo đoàn viên, thanh niên hưởng ứng và tạo được những chuyển biến.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, Đồng Nai hiện có 540/963 hương ước, quy ước đã được rà soát, kiểm tra và sửa đổi, bổ sung; 83 hương ước, quy ước đã rà soát, kiểm tra không cần phải sửa đổi, bổ sung. Có 340 hương ước, quy ước đang rà soát, kiểm tra và hoàn thiện các bước trước khi trình UBND cấp huyện công nhận. Việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh bước đầu đã phát huy được hiệu quả tích cực.
Việc cưới hỏi đã được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa việc cưỡng ép kết hôn cũng như cản trở hôn nhân tự nguyện. Không còn tình trạng thách cưới trong nhân dân. Hiện tượng tảo hôn đã giảm đáng kể, không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đối với việc tang, về cơ bản được tổ chức đúng quy định của quy ước, hương ước, phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, chia sẻ những mất mát với các gia đình qua những việc làm thiết thực. Việc khai tử, khâm liệm, tổ chức lễ viếng, đưa tang và mai táng đúng nơi quy định” - bà Mộng Bình khẳng định.
Hòa Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây