(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ để vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng thị trường khoa học – công nghệ (KH-CN) lại không sôi động. Để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mặn mà tham gia thị trường KH-CN, một trong những giải pháp chính là phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Robot
của Trường Đại học Lạc Hồng biểu diễn tại Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai
năm 2023
Khó thành lập Trung tâm Robot
Thị trường KH-CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại, nơi diễn ra quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa KH-CN, được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên đến nay, còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách khiến thị trường KH-CN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng thông tin, theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tỉnh có chủ trương thành lập Trung tâm Robot đặt tại Trường đại học Lạc Hồng. Đây là lĩnh vực thế mạnh của trường và nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực để có thể phối hợp vận hành Trung tâm Robot. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì vướng các quy định trong đầu tư công. Nếu không tháo gỡ khó khăn về cơ chế thì đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh sẽ không thành lập được Trung tâm Robot.
Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng kiến nghị Nhà nước cần sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định đầu tư công để tỉnh sớm thành lập Trung tâm Robot, phục vụ công tác phát triển chung của tỉnh.
Nhiều quy định chưa rõ ràng
Bà Lương Minh Hiền, Phó Tổng Giám đốc Sonadezi cho biết, trong đầu tư công nghệ, hiện nay doanh nghiệp đang rất thiếu thông tin về xu hướng, các giải pháp công nghệ mới phù hợp trong xử lý chất thải, nước thải. Việc thiếu thông tin có thể khiến các doanh nghiệp gặp rủi ro vì công nghệ thay đổi rất nhanh.
“Chúng tôi rất mong Bộ KH-CN và các bộ, ngành liên quan định hướng và tăng cường hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận, lựa chọn công nghệ tối ưu và phù hợp nhất với tình hình của địa phương và doanh nghiệp" – bà Hiền kiến nghị.
Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 29 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 quy định “Chủ đầu tư, cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về giá".
Hiện nay, đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt được xây dựng theo định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và xử lý nước rỉ rác theo các Thông tư, Quyết định của các Bộ, ngành và của tỉnh Đồng Nai trên cơ sở xác định chi phí tiền lương, giá sản phẩm, dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, các định mức chi phí này chưa phù hợp với tình hình lạm phát và giá cả thị trường. Ngoài ra, hiện nay chỉ có quy định giá xử lý theo công nghệ trong nước và nước ngoài. Nhưng thực tế có nhiều loại công nghệ trong nước, nhiều loại công nghệ nước ngoài.
Công tác đấu thầu dịch vụ xử lý rác đang được thực hiện hàng năm. Trình tự, thủ tục đấu thầu theo quy định mất nhiều thời gian, thường bị chậm trễ, ảnh hưởng đến công tác thanh quyết toán cho nhà thầu. Bên cạnh đó, việc đấu thầu hàng năm cũng không khuyến khích các chủ đầu tư Khu xử lý chất thải đầu tư công nghệ mới, vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài.
Do vậy, Sonadezi kiến nghị Nhà nước ban hành quy định, hướng dẫn điều chỉnh định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và xử lý nước rỉ rác hàng năm hoặc từng giai đoạn phù hợp với tình hình lạm phát và giá cả thị trường; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác đấu thầu rộng rãi đối với từng công nghệ xử lý chất thải khác nhau; xem xét, cho phép việc đấu thầu xử lý chất thải cho toàn dự án hoặc giai đoạn 5-10 năm.
Quy
trình xử lý chất thải công nghiệp của Sonadezi
Về chính sách trong lĩnh vực xử lý nước thải, hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đều khuyến khích việc tái sử dụng nước thải sau xử lý. Tuy nhiên, chưa ban hành quy chuẩn, quy định cụ thể cho việc tái sử dụng nước thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp. Tổng công ty kiến nghị Nhà nước sớm xem xét ban hành để áp dụng.
Trong khi đó, theo ông Paul Trần, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Meggit Việt Nam, công ty đang gặp khó khăn liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế, các quy định về phòng cháy, chữa cháy…khiến doanh nghiệp khó mở rộng quy mô sản xuất. Không những vậy, do Việt Nam thiếu các doanh nghiệp phụ trợ nên công ty phải nhập khẩu nguyên, vật liệu từ nước ngoài. Vì thế, công ty rất mong sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam; các vướng mắc liên quan sẽ được tháo gỡ để công ty có thể sớm mở rộng sản xuất, phát triển thị trường KH-CN.
Tác giả: Bảo Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập