Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) FDI bắt đầu chú ý nhiều hơn đến thị trường trong nước, nhiều DN tìm cách mở rộng tiêu thụ nội địa nên doanh thu tăng khá cao.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu ở thị trường nội địa của DN FDI trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 3,24 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước đó. Riêng trong tháng 5-2021, doanh thu ở thị trường nội địa tăng 25% so với tháng trước.
Công nhân trong dây chuyền sản xuất các sản phẩm công nghiệp
*Mở
rộng kênh bán hàng trong nước
Đại dịch Covid-19, giúp các DN FDI tính toán lại kế hoạch tiêu thụ hàng hóa ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Với thị trường trong nước, các DN FDI đã chú ý tìm đối tác để liên kết cung ứng đầu vào, bán sản phẩm đầu ra. Vì sản phẩm của nhiều DN là đầu vào của các DN khác.
Ông Trần Tấn Phát, Trưởng phòng Hành chính- nhân sự Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tốt, DN cũng tìm cách để bán hàng tại thị trường nội địa và xuất khẩu để đảm bảo đầu ra, doanh thu cho công ty. Công ty có gần 400 công nhân nên sản phẩm đầu ra thuận lợi sẽ giúp cho lao động có việc làm và thu nhập ổn định”. Hiện nay, Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam có khoảng 20% sản phẩm tiêu thụ nội địa và 80% xuất khẩu.
Tại Đồng Nai có hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thuộc các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong các khu công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phần lớn thuộc về các DN FDI đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu...Sản phẩm của các công ty trên có từ 60-90% xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Do vậy, sản phẩm đều có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khắt khe của các khách hàng lớn. Vì thế, DN FDI kết nối để bán sản phẩm cho nhau sẽ tạo ra những điểm thuận lợi lớn là giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu, hạn chế thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, bớt chi phí vận chuyển hàng hóa đi xa trong bối cảnh cước vận tải tăng cao.
*Kết nối để bán hàng
Hơn 1 năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên các hội nghị xúc tiến thương mại bị hoãn lại, nhưng các DN vẫn liên kết với nhau thông qua trao đổi trực tuyến, tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn có bước tăng trưởng khá. Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai giảm nhưng xuất siêu vẫn tăng.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, những năm qua, các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ đã giúp cho nhiều DN FDI tăng doanh thu ở thị trường nội địa. Việc các DN mở rộng tiêu thụ nội địa đem lại hiệu quả rất lớn, đặc biệt trong tình hình khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Bởi lâu nay, sản phẩn đầu vào của DN này là đầu ra của DN khác, nhưng do tính kết nối chưa tốt nên các DN đều mất nhiều thời gian để tìm đối tác xuất khẩu. Vì thế, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện xúc tiến thương mại tại chỗ để giúp các DN có thể gặp gỡ trao đổi, ký kết, cung ứng sản phẩm cho nhau.
Ông Park Hyun Pae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “Phần lớn các DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai đều muốn tìm đối tác cung ứng nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu và cũng muốn tìm khách hàng bán sản phẩm tại Việt Nam. DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày ép, may mặc, máy móc thiết bị, điện tử rất nhiều. Nếu các DN trên cùng lĩnh vực có thể kết nối với nhau sẽ rất thuận lợi cho cả hai bên”.
Theo các hiệp hội DN FDI tại Đồng Nai, những DN có nhu cầu mở rộng mua bán hàng hóa tại thị trường nội địa có thể liên hệ với các hiệp hội để được hỗ trợ kết nối với DN phù hợp trên cùng lĩnh vực. Đây là cơ hội để DN FDI cũng như DN có vốn đầu tư trong nước mở rộng thị phần ở thị trường nội địa.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập