Thị trường cuối năm: khó hạ nhiệt vật tư nông nghiệp

Thứ năm - 13/10/2022 15:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Để giảm phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, một số công ty sản xuất giống bắp trên địa bàn Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch sản xuất giống tại chỗ. Cụ thể, Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam (khu công nghiệp Định Quán, H.Định Quán) đang đầu tư thêm dự án sản xuất bắp giống tại H.Định Quán. Các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất; nỗ lực tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước thay thế cho một số nguyên liệu nhập khẩu giá cao.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thị trường vật tư nông nghiệp. Nhưng dự báo những tháng cuối năm, thị trường vật tư nông nghiệp có thể xảy ra tình trạng khan hiếm một số loại vật tư nông nghiệp nên giá nhiều loại phân, thuốc, giống cây trồng khó hạ nhiệt trong thời gian tới, thậm chí có nguy cơ thêm đợt tăng giá mới.

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Super PP Long Thành (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành). Ảnh: Phan Anh
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Super PP Long Thành (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành). Ảnh: Phan Anh

Nguyên nhân, nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Khó khăn cho cả doanh nghiệp sản xuất

Theo một số doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ vật tư nông nghiệp chậm hơn hẳn so với mọi năm. Nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng…tăng cao trong khi đó, giá nông sản bán ra lại thấp khiến nông dân cũng hạn chế đầu tư.

Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất vì nhập khẩu khó.

Bà Nguyễn Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Con Cò Vàng (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành) nhận xét, 2 năm qua dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Giá nông sản rớt, nông dân bỏ ruộng nên thị trường tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng khó theo. Hiện nay, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng doanh nghiệp lại gặp khó là đứt nguồn cung nguyên liệu sản xuất do Trung Quốc ngưng xuất, nhập khẩu từ Nga cũng gián đoạn do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Gần 2 tháng trở lại đây, giá phân bón có hạ nhiệt vì sức mua của thị trường chậm nhưng nhập khẩu nguyên liệu vẫn rất khó, chi phí tiếp tục tăng cao. Nếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga vẫn khó như hiện nay, dự đoán từ nay đến cuối năm, thị trường có thể xảy ra tình trạng thiếu phân bón.

Theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng dự báo, với một số hạt giống nhập khẩu, nhất là giống bắp, lúa nông dân có nhu cầu lớn sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt, nguồn cung giống bắp dự báo bị thiếu hụt là tình hình chung của thị trường thế giới do cây trồng này liên tiếp mất mùa vì ảnh hưởng bất lợi về thời tiết.

Ông Worawit Meesook, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam (khu công nghiệp Định Quán, H.Định Quán) cho hay, hiện nhu cầu tiêu thụ giống bắp của thị trường Việt Nam tăng cao do bắp thương phẩm đang có giá tốt nên người dân trồng nhiều. 2 năm nay, doanh nghiệp đều thiếu nguồn giống bắp do nhu cầu thị trường tăng cao trong khi đó, sản xuất giống gặp khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Dự báo, vụ sản xuất tới, doanh nghiệp có thể thiếu nguồn cung giống. Chi phí sản xuất, nhất là chi phí nhập khẩu đều tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá giống trong thời gian tới.

Giá phân bón vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: Cửa hàng cung cấp phân bón tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh
Giá phân bón vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: Cửa hàng cung cấp phân bón tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh

Lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…nguyên liệu sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Không ít doanh nghiệp thuộc tập đoàn lớn do nước ngoài đầu tư hầu như nhập 100% nguyên liệu từ nước ngoài, chỉ làm khâu gia công phối trộn, đóng gói cung cấp ra thị trường. Theo đó, nguồn cung lẫn giá thành sản phẩm chịu tác động lớn bởi thị trường nhập khẩu.

Tổng giám đốc Công ty TNHH SITTO Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Theerapong Ritmak cho biết, 3 năm trở lại đây, ngành sản xuất phân bón gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2021, thị trường có sự biến động lớn về giá nguyên liệu sản xuất. Trong đó, Trung Quốc đưa ra chính sách hạn chế xuất khẩu là nguyên nhân không nhỏ tạo nên làn sóng tăng giá nguyên liệu sản xuất. Dịch Covid-19 và tiếp theo là chiến tranh giữa Nga - Ukraine tiếp tục tạo nên đợt sốt giá nguyên liệu mới, nhất là với một số nguyên liệu Việt Nam hoàn toàn nhập khẩu. Theo đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài thị trường cũng tăng cao theo giá nguyên liệu. Dự báo năm 2022, tình hình sản xuất sẽ chồng chất khó khăn vì nhiều doanh nghiệp đã tiêu vốn dự trữ vào năm 2021 nên năm nay cực kỳ khó.

Cùng quan điểm, ông Vũ Trọng Trường, Phó giám đốc Nhà máy Super PP Long Thành (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành) cho biết, bắt đầu từ năm 2021 đến nay, nguyên liệu sản xuất phân bón nhập liên tục tăng giá với mức cao, có loại tăng đến 200%. Giá tăng nhưng một số nguyên liệu không phải dễ nhập vì ngày càng khan hiếm, chi phí vận chuyển cao cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Với tình hình thị trường hiện nay, doanh nghiệp cũng không nhập trữ nguyên liệu mà sản xuất tới đâu nhập tới đó để giảm rủi ro.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây