Hiện nay, các trường nghề đang từng bước đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo. Điều này không chỉ giúp người học chiếm được nhiều lợi thế trên “sân nhà” mà còn mở ra cơ hội gia nhập thị trường lao động quốc tế.

Sinh viên nghề Lắp đặt điện, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ thực hành
Sinh viên nghề Lắp đặt điện, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ thực hành
Cùng với đó, các trường cũng có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, mở thêm các ngành học mới để đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Thêm ngành đào tạo đáp ứng thực tiễn
Hiện nay, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đang đào tạo hơn 100 ngành nghề. Trong đó, khối các ngành kỹ thuật đang nhận được nhiều quan tâm của người học. Những ngành như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ điện tử… luôn có chỉ tiêu tuyển sinh cao và hoàn thành chỉ tiêu sớm (ở cả bậc trung cấp và cao đẳng).
Để đáp ứng thị trường lao động và phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường nghề đã xây dựng chương trình đào tạo, mở thêm nhiều ngành nghề mới. Trong đó, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 có các “ngành 4.0” như: công nghệ 4.0, kỹ thuật robot công nghiệp, kỹ thuật tự động hóa công nghiệp.
Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi hiện có 2 nghề thuộc nhóm ngành logistics là quản lý kho và xếp dỡ cơ giới tổng hợp. Trường dự định mở thêm nghề thuộc nhóm ngành này nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa chuẩn bị kịp về cơ sở vật chất. Nằm trong lộ trình phát triển ngành học của trường, hiện tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đang đào tạo sơ cấp nghề nông nghiệp công nghệ cao. Nhà trường đã xây dựng vườn thực vật phục vụ đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao tại cơ sở 2 ở H.Vĩnh Cửu.
TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Qua khảo sát người học, chúng tôi nhận thấy nhu cầu học nghề nông nghiệp công nghệ cao hiện nay phù hợp để mở mã ngành đào tạo nghề dài hạn (trung cấp, Cao đẳng). Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo nghề này để làm tiền đề mở mã ngành mới trong tương lai”.
Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi cũng là đơn vị đào tạo những ngành nghề mới như: công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí; công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà.
Hợp tác quốc tế trong đào tạo
Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, thời gian qua, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ với các trường đại học, các tổ chức quốc tế. Theo đó, trường sẽ hợp tác với Trường đại học Jeonju (Hàn Quốc) đào tạo các chuyên ngành: điện - điện tử; cơ khí, công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Trường Cao đẳng Công nghệ cao cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nghề tại Đức theo hình thức 1+3 (1 năm học tại Đồng Nai và 3 năm học tại Đức) cho các nghề: cơ khí (cắt gọt kim loại), điện (điện công nghiệp)…
ThS Lê Đình Thâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Chúng tôi đã ký kết biên bản ghi nhớ và sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để thực hiện chương trình hợp tác trong thời gian tới”. Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi hiện cũng đang được GIZ hỗ trợ trong công tác đào tạo nghề. Theo đó, có 3 chuyên gia người Đức “thường trú” tại trường đễ hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động như: đào tạo giảng viên đối với các module chuyên sâu; hỗ trợ quản lý xưởng thực hành; xây dựng, góp ý chương trình đào tạo…
“Chúng tôi mới đón thêm một chuyên gia người Đức sang để hỗ trợ nhà trường về công tác chuyển đổi số. Chuyên gia này đã giúp nhà trường xây dựng hệ thống LMS (Learning Management System - quản lý đào tạo trực tuyến). Hiện nay, việc xây dựng phần mềm LMS đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành” - TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Được biết, ngoài đối tác Đức, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi hiện cũng đang hợp tác với đối tác Nhật Bản (đào tạo 2 nghề điện công nghiệp và cắt gọt kim loại) và đối tác Úc (đào tạo 2 nghề quản lý kho hàng và xếp dỡ cơ giới tổng hợp).
Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 có thể được xem là điển hình về hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, không chỉ riêng trên địa bàn Đồng Nai mà với cả nước. Hiện nay, trường đang có nhiều chương trình hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài, đáng kể nhất là các chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ).
Với sự hỗ trợ, chuyển giao chương trình đào tạo từ phía Đức, hiện Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã đào tạo được 4 nghề theo tiêu chuẩn của Đức (cắt gọt kim loại, cơ khí xây dựng, cơ điện tử và điện tử công nghiệp). Những sinh viên tốt nghiệp 4 ngành này sẽ được cấp 1 bằng nghề của Việt Nam và 1 bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức. Điều này sẽ mở ra cơ hội việc làm tốt hơn cho người học. Cũng với 4 ngành này, nếu người học tham gia chương trình đào tạo “Con đường đến Đức” sẽ có cơ hội sang làm việc tại Đức với mức lương khá hấp dẫn.