Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng ảnh hưởng lớn hơn đến đời sống cũng như sản xuất của người dân, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tại Đồng Nai, nhiều khu vực, người nông dân đã buộc phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống để có thể thích nghi.
Nông dân thay đổi để “sống chung” cùng biến đổi khí hậu
Những ngày này, gia đình anh Lê Văn Sảnh, ấp Bến Cộ, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch đang tất bật với công việc cải tạo đất cho hơn 2 ha ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông - Xuân.
Khoảng 2 tháng trước, cũng trên chính diện tích ruộng đang chuẩn bị được gieo lúa vụ mùa này, gia đình anh Sảnh đã thu được gần 150 triệu đồng từ bán tôm. Đây là năm thứ 2, gia đình anh Sảnh có thêm nguồn thu nhập từ con tôm. Theo anh Sảnh, ấp Bến Cộ vốn là vựa lúa của xã Đại Phước, tuy nhiên những năm trước người dân ở đây chỉ làm được 2 vụ lúa Hè - Thu (từ tháng 3, 4 đến tháng 7, 8 âm lịch) và vụ Đông - Xuân (từ tháng 8, 9 đến tháng 12 âm lịch) rồi sau đó ruộng phải bỏ không, không cấy hái gì được do bị nhiễm mặn nặng. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, nhờ chủ động gieo sạ sớm vụ Đông - Xuân, sau khi thu hoạch lúa, người dân đã thả nuôi thêm một vụ tôm thẻ chân trắng để tăng nguồn thu.
Nhiều nông dân ở xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch có thu nhập khá hơn nhờ nuôi thêm một vụ tôm vào mùa xâm nhập mặn.
Việc chủ động đẩy vụ Đông - Xuân sớm hơn 1 tháng không những giúp nông dân tránh được thiệt hại do xâm nhập mặn đối với cây lúa mà còn tạo ra cơ hội tăng thêm thu nhập cho nhiều người từ chính… nguồn nước nhiễm mặn.
Như gia đình anh Sảnh, năm ngoái dù mới chỉ chập chững thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 1 ha đất ruộng cũng đã có thu nhập thêm khoảng 50 triệu đồng. Theo anh Sảnh, năng suất lúa trong vùng chỉ đạt khoảng 5 - 6 tấn/ha. Với giá lúa dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, mỗi vụ lúa, thu nhập của người dân chỉ đạt từ 30 - 35 triệu đồng/ha. Như vậy, với việc thả nuôi thêm một vụ tôm thẻ chân trắng, người dân có thêm nguồn thu nhập tương đương 2 vụ lúa mỗi năm.
Theo UBND xã Đại Phước, mô hình 2 vụ lúa và 1 vụ tôm vào mùa nước mặn hiện đang được nhiều nông dân trong xã áp dụng. Chuyện xâm nhập mặn trước đây vốn là nỗi ám ảnh dai dẳng thì giờ đây đã mở ra cơ hội tăng thêm thu nhập cho nhiều nông dân.
Khác với tình trạng xâm nhập mặn ở huyện Nhơn Trạch, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở các huyện khác trong tỉnh ngày càng đối mặt với nỗi lo mưa trái mùa. Những năm gần đây, vườn chôm chôm gần 1 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú thường rơi vào cảnh mất mùa do ảnh hưởng của mưa trái mùa. Để “tránh” mưa trái mùa, năm nay, chị Thanh cùng nhiều gia đình khác trong vùng đã chủ động xử lý cho cây chôm chôm ra trái muộn hơn. “Hiện các vùng khác, chôm chôm đã vào cuối vụ nhưng ở đây giờ mới bắt đầu mùa thu hoạch vì mình cho ra trái muộn hơn”, chị Thanh cho biết.
Theo chị Thanh, việc xử lý cho chôm chôm ra trái muộn hơn không chỉ nhằm mục đích “tránh” mưa trái mùa mà còn “né” luôn vụ thu hoạch của vùng chôm chôm ở TX. Long Khánh. Theo đó, việc “né” vụ sẽ giúp cho các nhà vườn nơi đây có được giá bán tốt hơn khi tránh được nguy cơ “dội chợ” do thu hoạch cùng lúc với những vùng chôm chôm có sản lượng lớn. “Mình làm muộn vụ hơn vừa đảm bảo được năng suất do ít chịu tác động của mưa trái mùa mà khi thu hoạch cũng chậm hơn vùng Long Khánh nên hy vọng giá bán cũng được hơn. Chứ mọi năm, thu hoạch cùng lúc với vùng Long Khánh nguồn hàng nhiều đã khó bán lại còn hay bị ép giá”, chị Thanh cho biết.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Huyện Nhơn Trạch là một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH trên địa bàn tỉnh, nhất là tình trạng xâm nhập mặn. Chính vì vậy, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ được xem là “chìa khóa” để giúp nông dân có thể thích nghi với BĐKH.
Phó phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân cho biết, 2 năm nay, huyện đã chủ động xây dựng lịch gieo sạ vụ Đông - Xuân sớm hơn 1 tháng so với trước đây đối với các vựa lúa thuộc các xã nằm dọc sông Đồng Nai để giúp người trồng lúa tránh tình trạng nhiễm mặn khi mùa khô bước vào cao điểm. “Việc đẩy sớm vụ Đông - Xuân đã giúp người trồng lúa tránh được cảnh mất mùa do nhiễm mặn như trước đây. Không chỉ vậy, nhiều nông dân đã chủ động thả nuôi thêm 1 vụ tôm để tận dụng nguồn nước xâm nhập mặn, từ đó có thêm nguồn thu”, ông Nhân cho hay.
Ngoài biện pháp đẩy lịch gieo sạ vụ Đông - Xuân lên sớm để “né” mặn, huyện Nhơn Trạch còn thường xuyên tiến hành nạo vét, gia cố kênh mương, hỗ trợ người dân đắp hệ thống bờ bao để ngăn không cho nước từ các con sông bị nhiễm mặn theo triều cường đi vào các cánh đồng trong mùa khô. Năm nay, hệ thống thủy lợi Hiệp Phước đã được huyện tiến hành cho đắp hơn 2km bờ bao chạy dọc tuyến kênh để chủ động không cho nước từ sông Đồng Môn có thể xâm nhập vào các cánh đồng trong trường hợp độ mặn của con sông này vượt mức cho phép.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cùng với tình trạng xâm nhập mặn, việc thiếu nước tưới vào mùa khô đang là những thách thức lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tác động của những hiện tượng này ngày càng lớn khi BĐKH ngày càng diễn ra phức tạp hơn.
Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 280.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên các hệ thống thủy lợi hiện chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 19.000 ha. Ngoài ra, các khu vực sản xuất nông nghiệp dọc sông Đồng Nai thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn hằng năm.
Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã có nhiều kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh về việc cần sớm đầu tư xây dựng thêm các hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Đặc biệt, để có thể thích ứng với những diễn biến phức tạp của BĐKH, Đồng Nai cũng đã đẩy mạnh phát triển chương trình ứng dụng tưới tiêu tiết kiệm qua đường ống. Theo ông Vinh, đến nay, sau 10 năm triển khai, đã có 33.000 ha cây ăn quả và cây công nghiệp được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm qua đường ống.
Lê Văn
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập