Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 cho đến nay.

Mô hình “Câu chuyện truyền thanh” của H.Định Quán là một điển hình hoạt động hiệu quả trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19
Mô hình “Câu chuyện truyền thanh” của H.Định Quán là một điển hình hoạt động hiệu quả trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19
Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kịp thời việc triển khai thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Những mô hình hiệu quả
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hay trong công tác PBGDPL. Mô hình “Tư vấn pháp luật lưu động” của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh là một trong những điểm sáng được đánh giá cao. Luật sư Vũ Ngọc Hà (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, thuộc LĐLĐ tỉnh) chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có lượng người lao động nhập cư tương đối lớn, nhiều người còn có những hạn chế nhất định về kiến thức pháp luật. Do vậy, trung tâm đã thực hiện theo sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, triển khai nhiều hình thức PBGDPL để giúp đỡ người lao động, như: tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động...
Đặc biệt năm 2009, trung tâm đã xây dựng mô hình “Tư vấn pháp luật lưu động” và duy trì cho đến nay. Đều đặn vào tối thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, cán bộ, nhân viên của trung tâm cùng đội ngũ công nhân nòng cốt (do trung tâm xét chọn, đào tạo) đã đến từng khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh để tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân lao động. “Ngoài tuyên truyền, chúng tôi còn tổ chức một số trò chơi liên quan đến pháp luật để thu hút nhiều người tham gia. Nhờ vậy mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho người lao động nâng cao kiến thức pháp luật, nắm vững kỹ năng xử lý tình huống trong thực tiễn”- luật sư Hà tâm sự.
Mô hình “Câu chuyện truyền thanh” của H.Định Quán cũng là một điển hình hoạt động hiệu quả. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông Tin và Thể Thao H.Định Quán Bùi Thanh Cảnh, cho hay, “Câu chuyện truyền thanh” được thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, thời lượng mỗi chương trình từ 10 đến 20 phút, đưa ra những tình huống gần gũi, thường xuyên phát sinh trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư và cách thức xử lý. Quy định pháp luật được lồng ghép trong các câu chuyện trở nên hết sức gần gũi và dễ hiểu, dễ nhớ, giúp cho người dân hiểu luật và biết cách xử lý theo luật.
Năm 2018, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật và duy trì ổn định cho đến nay. Đối tượng dự thi là học sinh, sinh viên; cán bộ, công chức, viên chức đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua 5 năm triển khai, cuộc thi đã thu hút hơn 3 triệu lượt người tham gia. Chương trình đã tạo được sức lan tỏa ngày càng rộng lớn; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen sống, làm việc theo pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn xây dựng và triển khai nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả khác như: mô hình “Liên thế hệ” kết hợp giữa sinh hoạt các đoàn thể và tuyên truyền, PBGDPL của H.Cẩm Mỹ; Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí 2 ngày/tuần cho hàng nghìn lượt người dân mỗi năm; Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho hội viên với hoạt động của 25 tổ tư vấn pháp luật và 78 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa (Hội thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống tham nhũng, an toàn thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước); các câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Cựu chiến binh với pháp luật”…
Đưa pháp luật đi vào cuộc sống
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình thực tế. Đội ngũ người làm công tác PBGDPL cũng được xây dựng và quan tâm bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng PBGDPL đáp ứng yêu cầu công tác PBGDPL trong tình hình mới với gần 3.200 người.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai công tác PBGDPL trên tất cả các lĩnh vực pháp luật. Trong đó tập trung tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, các Bộ luật, luật mới được Quốc hội ban hành, những văn bản pháp luật quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống xã hội; tuyên truyền, phổ biến về ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật, mô hình PBGDPL mới, hiệu quả; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm cần định hướng dư luận, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước...
Hình thức tuyên truyền, PBGDPL hết sức đa dạng và phong phú, như: phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; biên soạn, cung cấp tài liệu, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật (trực tuyến, trực tiếp và sân khấu hóa); thông qua hoạt động xét xử án, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động hòa giải ở cơ sở; pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, tờ gấp, khẩu hiệu…
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện và duy trì hiệu quả mô hình “Ngày Pháp luật” định kỳ hàng tháng. Riêng Sở Tư pháp đã tổ chức từ năm 2013 và duy trì hiệu quả hoạt động này. “Đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức hơn 100 buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật với hơn 5.000 lượt người tham dự. Thông qua sinh hoạt này, chúng tôi đã triển khai đầy đủ các quy định pháp luật mới, các quy định pháp luật quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, kết hợp với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Qua đó giúp công chức, viên chức nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức chính trị và có tư tưởng chính trị vững vàng”- ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh - truyền hình, báo, truyền thanh cơ sở, tạp chí,...) được các cơ quan, đơn vị triển khai thường xuyên và ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung, thời lượng, tin, bài được tăng lên rõ rệt. Nội dung tuyên truyền, phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát thực tiễn, gắn với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL với việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến, tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo...