Toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Các doanh nghiệp tại đây luôn tập trung lượng lớn vật tư, hàng hóa, thành phẩm rất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được quan tâm, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra an toàn phòng cháy các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Ông Kèo (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Trúc Viên
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra an toàn phòng cháy các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Ông Kèo (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Trúc Viên
Phạt hàng trăm doanh nghiệp
Hiện nay, các doanh nghiệp trong những KCN trên toàn tỉnh (khoảng 1,5 ngàn) do Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh quản lý về PCCC . Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra cháy lớn ở trong các KCN, góp phần giúp DN tập trung lao động sản xuất và phát triển kinh tế.
Đây là kết quả của việc thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC. Tính đến nay, Phòng đã kiểm tra gần 3,8 ngàn lượt cơ sở, qua đó xử phạt gần 200 cơ sở với số tiền hơn 1,96 tỷ đồng.
Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ) Đại úy Nguyễn Bá Giáp cho biết, từ ngày 15-10 đến nay, đơn vị đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát an toàn PCCC hơn 1,6 ngàn lượt cơ sở trong các KCN. Qua đó, ghi nhận phần lớn các doanh nghiệp được kiểm tra đã chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC; đặc biệt, duy trì đội PCCC cơ sở, bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ, bố trí lối thoát nạn phù hợp…
Bên cạnh đó vẫn còn không ít doanh nghiệp vi phạm các lỗi thường gặp như: không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ; không trang bị phương tiện PCCC cho đội PCCC cơ sở theo quy định. Đây là những vi phạm được lực lượng chức năng đánh giá làm giảm khả năng xử lý sự cố ban đầu của lực lượng PCCC cơ sở và sẽ bị xử lý nghiêm.
Có thể kể đến một số doanh nghiệp vi phạm nhiều lỗi như: Công ty TNHH MTV A.V. (KCN Amata, TP.Biên Hòa) vào ngày 2-11 đã bị xử phạt 25 triệu đồng vì các vi phạm: không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ; cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế và PCCC. Hoặc Công ty CP B.V.N. (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) đã bị phạt 32 triệu đồng vì vi phạm các lỗi: bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC cho đội PCCC cơ sở hoặc chuyên ngành theo quy định…
Ngăn cháy từ khi vừa phát sinh
Qua đánh giá của Công an tỉnh, dù từ đầu năm 2022 đến nay không xảy ra những vụ cháy lớn trong KCN nhưng thời gian qua cũng xảy ra một số vụ, rất may được chữa cháy kịp thời. Qua đó cho thấy vẫn còn nguy cơ cháy trong KCN, nhất là ở các doanh nghiệp sản xuất tập trung nhiều nguyên, vật liệu dễ cháy như: vải, giày da, sơn, gỗ…
Phần lớn các vụ cháy trên đều có nguyên nhân từ sự cố điện trong quá trình hoạt động, sản xuất. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều máy móc, hàng hóa, thành phẩm của các doanh nghiệp. Điển hình như Công ty TNHH Changshin Việt Nam (đóng tại KCN Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đã xảy ra cháy nhà xưởng 2 lần vào ngày 5-6 và 17-10. Hay trước đó, sáng 3-7, tại Công ty CP Poh Huat Việt Nam (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã xảy ra cháy và làm hư hỏng gần 2 ngàn m2 buồng sấy gỗ và xưởng sơn của công ty.
Riêng tại KCN Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa), đa số các cơ sở, doanh nghiệp trong KCN này được xây dựng và đi vào hoạt động từ trước năm 1975 nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện PCCC còn thiếu. Bên cạnh đó, do đang trong quá trình di dời nên công tác PCCC của một số doanh nghiệp còn hạn chế, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, hệ thống PCCC gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư quá lớn.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đôn đốc an toàn PCCC. Trong đó, chú ý kiểm tra an toàn PCCC trong các KCN, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất các vật liệu dễ cháy như: gỗ, dệt may, sợi… Qua đó, xử phạt nghiêm các vi phạm về an toàn PCCC và kiến nghị khắc phục các sơ sót.