Từ ngày 9-10 đến nay, nhiều cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ… hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm ngừng do toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, bên cạnh tập trung sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN), cơ sở cần chú ý công tác phòng cháy, chữa cháy.
Công an TP.Biên Hòa
kiểm tra an toàn PCCC tại các khu dân cư P.Hóa An. Ảnh: Trúc Viên
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thời điểm “mở cửa” rơi vào dịp cuối năm nên các công ty, DN, cơ sở sản xuất tập trung đẩy mạnh sản xuất để thực hiện các hợp đồng mới cũng như giải quyết đơn hàng tồn đọng, thường sẽ lơ là công tác PCCC. Trong khi đó, các thiết bị PCCC, hệ thống điện lâu ngày không được bảo trì, sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến công tác PCCC của các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nguy cơ cháy rình rập
Ngay sau khi Đồng Nai thực hiện nới lỏng giãn cách, “mở cửa” phục hồi sản xuất, trên địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra 1 vụ cháy lớn vào tối 11-10, tại kho chứa hàng của Công ty CP Đồng Tiến (đặt tại P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) khiến lực lượng chữa cháy phải huy động hơn 10 xe và 100 cán bộ, chiến sĩ để dập tắt. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi khoảng 2 ngàn m2 kho chứa vải cùng nhiều nguyên vật liệu.
Qua đây, thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo, thời điểm này nguy cơ cháy tiềm ẩn cao ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp. Vì đây là những nơi tập trung lượng hàng hóa nhiều với các hoạt động sử dụng điện diễn ra liên tục; nhất là với các DN đang hoạt động cả 3 ca để kịp tiến độ hợp đồng (tăng nguy cơ cháy do điện). Kéo theo đó, lượng hàng hóa, nguyên vật liệu xuất nhập liên tục, tăng nguy cơ cháy khi có lửa bén vào kho.
Đồng thời, hiện nay, khi các chợ truyền thống dần hoạt động trở lại sau quãng thời gian dài đóng cửa đã làm xuất hiện nguy cơ cháy mới khi các thiết bị PCCC lâu ngày không sử dụng đã xuống cấp (không thể phát huy hiệu quả khi chữa cháy). Nguy hiểm hơn, hệ thống điện tại các sạp trong chợ có thể xuất hiện các vết nứt, gãy, hở mà tiểu thương không biết. Do đó, rất dễ xảy ra cháy khi hàng hóa bắt đầu được chất vào sạp, nhất là tại các quầy bán hàng dễ cháy như: vải, quần áo, hóa chất…
Chú trọng kiểm tra
Trước các nguy cơ cháy, nổ hiện hữu nêu trên, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng Công an các huyện, thành phố đã có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn về PCCC tại các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng đến các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trong các khu công nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra vào dịp cuối năm.
Từ ngày 14-6 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã kiểm tra an toàn phòng cháy 269 lượt cơ sở, phạt 63 cơ sở vi phạm hành chính và 1 cơ sở để xảy ra cháy, nổ (với tổng số tiền xử phạt hơn 104 triệu đồng). Ngoài ra, toàn tỉnh đã tổ chức được 12 lớp huấn luyện nghiệp vụ với hơn 300 người tham dự; 8 lớp tuyên truyền kiến thức PCCC với hơn 600 người tham dự.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải lưu ý: “Bên cạnh công tác kiểm tra của lực lượng chức năng thì ngay lúc này, khi các DN, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động trở lại, người đứng đầu hoặc người được phân công phụ trách PCCC phải trực tiếp đi kiểm tra tình trạng toàn bộ phương tiện PCCC. Đồng thời, rà soát lại các sơ sót trong công tác PCCC trước đây chưa khắc phục để kịp thời chấn chỉnh; trong đó phải kiện toàn, củng cố lại đội PCCC cơ sở, bổ sung các vị trí khuyết do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”.
Riêng tại các địa phương, Công an các huyện, thành phố cũng lưu ý với các hộ gia đình vừa ở, vừa kinh doanh cần chú ý khi tích trữ hàng hóa để bán không được để gần nguồn nhiệt, đè lên các hệ thống điện. Mỗi hộ cần có bình chữa cháy xách tay tại các vị trí chứa hàng và bố trí lối thoát hiểm phụ thông ra bên ngoài (ngoài cửa chính). Ngoài ra, chính quyền các địa phương bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cũng cần quan tâm hơn, có sự kiểm tra định kỳ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo Trung tá Hồ Văn Toàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an H.Xuân Lộc, khi các chợ truyền thống hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động, ban quản lý các chợ cần chú ý kiểm tra các hệ thống điện, lối thoát nạn tại những nơi thường có hệ thống điện xuống cấp, lượng hàng hóa tích trữ nhiều, người mua sắm đông... Ngoài ra, ban quản lý các chợ, chủ các sạp hàng không được đốt nhang, vàng mã tại nơi buôn bán, tránh các tàn lửa bén vào hàng hóa gây cháy.
Trúc Viên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập