Tập trung phát huy thế mạnh của từng địa phương

Thứ sáu - 24/11/2023 10:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Hiện nay, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng lớn. Đây là những thế mạnh của các địa phương, cần được phát huy để không chỉ nâng cao giá trị về mặt kinh tế mà còn cả về du lịch nông nghiệp.

Mít là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
Mít là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ

Những sản phẩm tiêu biểu

Những vùng chuyên canh cây trồng lớn như: xoài (Đồng Nai, Tây Ninh); chôm chôm, chuối (Đồng Nai); nhãn (Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu); mít (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh); sầu riêng (Đồng Nai, Bình Phước); măng cụt (Đồng Nai, Bình Dương)…

Để hỗ trợ phát triển các sản phẩm trọng điểm có lợi thế so sánh, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã xây dựng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “ứng dụng tiến bộ KH-CN giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Mục tiêu của đề án là đánh giá đúng thực trạng và khả năng ứng dụng tiến bộ KH-CN trên địa bàn tỉnh, dự báo xu hướng ứng dụng trong thời gian tới.

Tại Tây Ninh, địa phương có thế mạnh về cây mía, Sở KH-CN đã hỗ trợ Công ty Mía đường Thành Thành Công khảo nghiệm giống mía nhập nội nhằm cải thiện bộ giống mía cho vùng nguyên liệu của tỉnh. Trong đó, 01 giống mía mới hoàn thiện Co86-032 có năng suất bình quân từ 8,47-8,77 tấn/ha, cao hơn 11,29-22,52% so với đối chứng, đồng thời có khả năng kháng bệnh tốt. Ngoài ra, phát triển 03 giống mía mới triển vọng gồm: VMC87-599 có năng suất đường bình quân từ 8,15-8,47 tấn/ha; giống MPT97-130 có năng suất đường từ 8,07-8,16 tấn/ha; giống PSR01-136 có năng suất bình quân 7,45-8,30 tấn/ha…

Tại Đồng Nai, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay toàn tỉnh hiện có hơn 2 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn. Tỉnh đã xây dựng được 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1,4 ngàn ha cây trồng và hơn 23,7 ngàn vật nuôi; gần 149ha cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm đối với cây trồng trên diện tích hơn 57,6 ngàn ha.

Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn, phát huy các lợi thế của vùng trong phát triển KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực
Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn, phát huy các lợi thế của vùng trong phát triển KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực

Xây dựng các nhãn hiệu tập thể

TS Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai cho biết, ngoài phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù tại địa phương như: sản phẩm tôm càng xanh xã Trà Cổ (H.Tân Phú); tham mưu UBND tỉnh chấp thuận sử dụng tên địa danh trên địa bàn tỉnh để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương như: xoài Xuân Trường, hồ tiêu Thanh Bình, quýt Thanh Sơn, nấm mèo Long Khánh… Hỗ trợ 10 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Trong sản xuất nông nghiệp, trình độ công nghệ cũng từng bước được nâng cao theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện cơ giới hóa như: tưới nước (75%), thu hoạch lúa, xay xát (trên 80%), vận chuyển, làm đất (hơn 90%)…

Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã được đưa vào ứng dụng với các mức độ khác nhau và đem lại nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành và cơ cấu lao động tại địa phương, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Đồng Nai cũng là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư. Hiện, Đồng Nai thuộc nhóm đầu cả nước về chế biến thức ăn chăn nuôi với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm.

Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn CP, Cargill, CJ, De Heus, Haid, Emivest… Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh/thành phố khác trên cả nước.

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản chế biến. Các sản phẩm chế biến đa dạng như giò, chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, thịt xông khỏi… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu đi các nước, trong đó có thị trường khó tính là Nhật Bản.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây