Các huyện “vùng xanh” trong dịch Covid-19 có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác trong duy trì, ổn định sản xuất.
Để thực hiện các tiêu chí phát triển sản xuất và đảm bảo thu nhập của người dân nông thôn, các huyện “vùng xanh” trong dịch Covid-19 rất quan tâm tháo gỡ những khó khăn sản xuất nông nghiệp, nỗ lực tổ chức sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.
Thương lái tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) thuận lợi hơn nhiều trong hoạt động thu mua trái cây, nông sản so với thời gian thực hiện giãn cách. Ảnh: P.A
Khơi thông chuỗi sản xuất
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương tập trung các giải pháp giãn cách với mục tiêu phòng, chống dịch, hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Theo phản ánh của cả nông dân, doanh nghiệp, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, có giai đoạn chuỗi tiêu thụ nông sản đã bị đứt gãy, nông sản đến kỳ thu hoạch ùn ứ trên đồng trong khi tại nhiều thành phố lớn lại phải trả giá cao để mua thực phẩm tươi sống vì nguồn cung khan hiếm. Sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản gặp rất nhiều khó khăn như: nhân công không thể qua chốt để thu hoạch, nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản cũng giảm mạnh về công suất do thiếu lao động vì người lao động ở xã này không được qua xã kia; việc vận chuyển chuối, giao nhận hàng cũng bị ách tắc...
Với mục tiêu duy trì, khôi phục sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới, các huyện “vùng xanh” đã nới lỏng về thực hiện giãn cách, tạo thuận tiện cho nông dân, thương lái, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong mọi hoạt động. Ông Lê Văn Chưởng, thương lái thu mua nông sản trên địa bàn H. Xuân Lộc cho biết, hiện nay, hoạt động lưu thông, tổ chức thu mua nông sản tại các huyện vùng xanh trên địa bàn Đồng Nai đã thuận lợi hơn nhiều so với trước. Thu hoạch nông sản cũng không gặp khó khăn vì thiếu nhân công do lao động từ xã này không được qua xã kia như khi thực hiện các quy định giãn cách trước đó.
Xuân Lộc là huyện “vùng xanh” nên hoạt động sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi. Nông dân tại các vùng sản xuất lúa, rau, cây ăn trái trên địa bàn huyện vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất. Về chăn nuôi, địa phương có lợi thế hiện chăn nuôi heo, gà đa số là các trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp nên công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc chia sẻ, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn phát triển ổn định. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu bảo vệ vùng xanh bền vững, từng bước phục hồi kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, địa phương thực hiện rất chặt chẽ công tác quản lí người, phương tiện di chuyển từ các địa phương khác đến.
Việc vận chuyển trái cây, nông sản hiện nay đã thuận lợi hơn nhiều so với thời gian thực hiện giãn cách. Ảnh: Nông dân huyện Cẩm Mỹ chở chuối đi tiêu thụ. Ảnh: B.Nguyên
Cần giải pháp liên kết vùng
Tuy hoạt động sản xuất nông nghiệp, lưu thông tại các “vùng xanh” đã được nới lỏng hơn trước. Nhưng theo phản ánh của thương lái, doanh nghiệp, cần có những giải pháp liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản thì chuỗi sản xuất nông sản mới thực sự được khôi phục.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát tại phường An Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian gần đây, những khó khăn trong tổ chức đội ngũ lao động trong thu hoạch cũng như lưu thông nông sản qua các chốt kiểm soát đã thuận lợi hơn nhiều so với trước, nhất là ở các huyện vùng xanh. Tuy nhiên hiện doanh nghiệp có 6 cơ sở đóng gói, sơ chế nông sản xuất khẩu tại nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước, sự nới lỏng ở những địa bàn riêng lẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Tôi mong giữa các tỉnh, thành cần có sự thống nhất hơn nữa về các quy định trong lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức thu mua, vận chuyển, chế biến nông sản để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản vào các tháng cuối năm” – ông Dũng nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp là một điểm sáng của nền kinh tế vì vẫn tăng trưởng tốt trong tình hình khó khăn hiện nay. Tuy nhiên cần xác định sẽ phải sống chung với dịch Covid, nếu vẫn điều hành mỗi tỉnh một kiểu, sản xuất nông nghiệp rất khó phục hồi. Theo ông Báo: “Nông nghiệp là ngành sản xuất khác hẳn nên không thể áp dụng quy tắc 3 tại chỗ như của sản xuất công nghiệp. Vì mọi hoạt động nông nghiệp đều ở ngoài đồng chứ không phải trong nhà”.
Phan Anh
Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, hiện nay, cả trong lĩnh vực cây trồng và vật nuôi đều có nguy cơ thiếu hụt nguồn giống cung cấp cho nông dân khôi phục sản xuất. Trong khi đó, công tác nghiên cứu, thử nghiệm một giống mới hoặc mô hình sản xuất cần tổ chức ở nhiều tỉnh, thành, cần liên kết nhiều vùng chứ không phải chỉ là 1 tỉnh, một vùng. Chính phủ cần nhanh chóng có chính sách riêng, tháo gỡ ngay những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập