Phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã cho thấy sức sống lâu bền nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Tuy nhiên, trải qua 60 năm triển khai, phong trào này đang đòi hỏi những đổi mới để đảm bảo ý nghĩa và tính hiệu quả của phong trào. Ðây cũng là nội dung được thảo luận tại hội nghị đánh giá việc triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” do Hội đồng Ðội Trung ương tổ chức tại Ðồng Nai vào sáng 22-1.
Nhiều mô hình sáng tạo
Theo Phó chủ tịch Hội đồng đội Trung ương Nguyễn Thái An, thời gian qua, phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hình thức triển khai, đem đến hiệu quả tích cực trong việc thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, được xã hội ghi nhận. Nhiều tỉnh, thành không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ cấp phát những đồ dùng thiết yếu trước mắt mà còn đầu tư các phương tiện, tạo điều kiện nâng cấp cuộc sống sinh hoạt ngày càng tốt hơn cho thiếu nhi nghèo. Qua phong trào “Kế hoạch nhỏ”, thiếu nhi cả nước đã thu gom được trên 7 triệu tấn giấy vụn, trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng “Quỹ đội” và giúp đỡ thiếu nhi nghèo vượt khó. Nhiều mô hình sáng tạo đã được phụ huynh, nhà trường và bản thân các em thiếu nhi hứng thú và tích cực tham gia như “Vườn rau của em”, “Ðàn gà khăn quàng đỏ”, “Xe đạp giúp bạn đến trường”…
Các em thiếu nhi tham gia làm đất trồng rau thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ”.
Theo đại diện Hội đồng Ðội tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh không còn thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ” một cách máy móc, hình thức mà tùy từng địa phương, điều kiện để thực hiện. Theo đó, ở các trường nội thành thực hiện một ngày trong học kỳ thu gom phế liệu chứ không thu gom cả năm học nhằm tránh tạo sức ép cho thiếu nhi. Ở vùng nông thôn, các liên đội thực hiện các mô hình phù hợp với đặc thù, điều kiện của mình như trồng các vườn rau xanh…
Tại Ðồng Nai, mô hình “khu vườn Kế hoạch nhỏ” của Liên đội Trường THCS Lý Thường Kiệt (huyện Xuân Lộc) đã mang lại hiệu quả rõ nét. Theo đó, liên đội đã đề xuất ý tưởng với Ban giám hiệu nhà trường, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó nêu bật được mục tiêu, ý nghĩa, phân công chi tiết các bước thực hiện mô hình, phối hợp tuyên truyền với phụ huynh cùng thực hiện. Phụ huynh, giáo viên cùng hỗ trợ học sinh làm đất, trồng và chăm sóc rau. Vào giờ sinh hoạt ngoại khóa thứ 5 hằng tuần, liên đội tiến hành thu gom rau, tạo không khí sôi động, hứng thú cho học sinh. Rau sau khi thu hoạch sẽ được bán cho phụ huynh khi đến đón con em của mình. Tiền thu được sẽ nộp vào chỉ tiêu giấy vụn, nếu vượt chỉ tiêu, số tiền này sẽ được tái đầu tư vườn rau hoặc hỗ trợ các bạn học sinh nghèo. Trong đợt hội thu vườn rau mới đây, vườn đã vượt sản lượng dự kiến với 3 tạ rau sạch, thu về 3 triệu đồng, vượt gần 460% so với thu gom giấy vụn. Ðặc biệt, hoạt động này còn giúp học sinh trải nghiệm, thấy được giá trị của sản phẩm mà các em bỏ công lao động có được. Ðồng thời cũng tạo được không gian xanh trong trường học.
Ðại diện Liên đội Trường Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) thừa nhận, những năm trước đây, phong trào “Kế hoạch nhỏ” còn nặng tính hình thức, phụ huynh, thậm chí là giáo viên của trường phải đi mua lại giấy vụn, vỏ lon bia để cho con em mình đem nộp. Nhận thấy được bất cập này, liên đội đã thay đổi hình thức bằng cách tổ chức Chợ phiên kế hoạch nhỏ. Trong năm học vừa qua, chợ phiên đã thu được 30 triệu đồng, tạo cho các em học sinh không gian vui chơi, thể hiện tài năng và rèn luyện tính ngăn nắp, tiết kiệm.
Cần đổi mới phong trào
Tại hội nghị, nhiều ý kiến thẳng thắn nhìn nhận phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã bộc lộ những hạn chế trong công tác tuyên truyền, kết quả của phong trào tại một số nơi chưa cao. Bên cạnh đó, một số đơn vị cứng nhắc trong việc vận dụng hình thức triển khai phong trào, không phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc triển khai phong trào đôi khi còn hình thức, chưa thực sự phù hợp với thiếu nhi và làm mất đi ý nghĩa giáo dục của phong trào. Mặt khác, một số liên đội đưa ra chỉ tiêu thu nộp quá cao, tạo sức ép, gánh nặng cho thiếu nhi trong quá trình thực hiện.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh Ðồng Nai Hồ Hồng Nguyên cho rằng, phong trào “Kế hoạch nhỏ” đang bộc lộ 3 vấn đề chính. Trong đó nguyên nhân là do chưa có sự tác động tâm lý, tình cảm đến các em thiếu nhi mà chỉ quan tâm đến kết quả, dẫn đến các em không hiểu được ý nghĩa của việc mà bản thân mình đang làm. Bên cạnh đó, tính mới của phong trào cũng là vấn đề cần quan tâm bởi đa số các liên đội vẫn triển khai theo hình thức “Kế hoạch nhỏ” mà 60 năm trước chúng ta đã làm, không tương thích với tâm lý, bối cảnh của xã hội hiện tại. Ngoài ra, chính các em cũng chưa được phát huy quyền, tiếng nói, nguyện vọng của mình khi tham gia phong trào.
Ðể phong trào “Kế hoạch nhỏ” tiếp tục phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc đổi mới hình thức triển khai phong trào ngay từ cơ sở, gắn với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Ða dạng hóa phương thức, đổi mới mô hình là việc làm bắt buộc để có thể đưa phong trào phát triển. Ðặc biệt cần chú trọng đến công tác tuyên truyền. Theo đó cần xây dựng bộ công cụ để tuyên truyền về ý nghĩa phong trào đến thiếu nhi, phụ huynh và cộng đồng, tập trung sử dụng nó trong khuôn viên nhà trường như trang trí trên ghế đá, tường, bảng tin. Ðồng thời quan tâm đến những câu chuyện truyền cảm hứng để lan tỏa ý nghĩa phong trào trong đời sống xã hội…
Về tên gọi “Kế hoạch nhỏ”, Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh Đồng Nai Hồ Hồng Nguyên cho rằng, không nên đổi tên phong trào, bởi đây là biểu tượng lớn, đi vào tiềm thức nhiều thế hệ, là tài sản quý giá trong chiều dài lịch sử phong trào thiếu nhi Việt Nam. Do đó, chúng ta không nên đổi tên của phong trào. Thay vào đó, cần quan tâm, nghiên cứu đổi mới hình thức, làm thế nào để phong trào có hiệu quả thực chất và phát triển bền vững.
Thảo Nguyên
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập