Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến, được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm, hưởng ứng và đánh giá cao.
Sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai học thực hành trên gốm truyền thống Biên Hòa
Hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Từ sau hội nghị, người dân có nhiều kỳ vọng sẽ tạo động lực mới trên con đường phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng thời kỳ hội nhập quốc tế.
Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Theo TS Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai, quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu, nhưng đồng thời cũng là động lực phát triển của toàn xã hội. Việc coi trọng phát triển văn hóa thời gian qua đã được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay, sẽ cần thêm cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
“Trong đó, ngành Văn hóa cần đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ các tầng lớp nhân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp. Các cơ chế, chính sách này phải được hệ thống nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp với nhau thực hiện. Làm sao để văn hóa là nhịp cầu kết nối cộng đồng cùng chung sức phát triển con người toàn diện, đậm đà bản sắc dân tộc” - TS Nguyễn Văn Quyết nói.
Song song là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, TS Nguyễn Văn Quyết cho rằng cần ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống; phát huy ngày càng cao vai trò của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, đưa nền văn hóa Việt ngày càng vươn xa, tạo dấu ấn riêng, đậm nét trong dòng chảy văn hóa chung của nhân loại.
Thu hút người trẻ đến với văn học nghệ thuật
Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên thực tập và có cơ hội việc làm sau khi ra trường
TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, những năm qua, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã và đang nỗ lực đào tạo các thế hệ học sinh, sinh viên. Trong chương trình dạy học, nhà trường cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc từ thiết kế thời trang, đào tạo gốm truyền thống, điêu khắc, thiết kế nội thất…
“Trong thời gian tới, nhà trường kỳ vọng các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, nhà quản lý sẽ tiếp tục định hướng, chính sách phù hợp đối với công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Đặc biệt, có chế độ đãi ngộ để thu hút lực lượng trẻ, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành nghệ thuật tại các trường đại học, cao đẳng”.
Theo nhà thơ Minh Hạ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ hoạt động, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh những năm qua đã luôn dành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng. Đã có rất nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý dành tặng văn nghệ sĩ. Điều này thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của văn nghệ sĩ, rất cần có thêm các chính sách, đãi ngộ cũng như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm; có cơ chế đặc thù và hỗ trợ để đặt hàng sáng tác tác phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, ưu tiên những chính sách bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật trẻ kế cận cho tương lai.
Thanh Thanh