Tăng phòng ngừa, giảm cháy, nổ

Thứ sáu - 06/10/2023 09:53
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Tại lễ phát động toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ được tổ chức tại TP.Hà Nội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi trọng công tác phòng ngừa cháy, nổ; từ đó giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập huấn kỹ năng chữa cháy cho công nhân khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa)
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập huấn kỹ năng chữa cháy cho công nhân khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa)

Tại Đồng Nai, dù ngành chức năng đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp PCCC nhưng số vụ cháy trên toàn tỉnh trong 9 tháng của năm 2023 vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương phải kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là trong những tháng cuối năm, nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng cao, kéo theo nhu cầu sử dụng điện và các vi phạm liên quan đến an toàn PCCC cũng gia tăng.
 
* Vì sao nguy cơ cháy còn cao?
 
Theo thống kê của ngành chức năng, trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy, làm chết 2 người và bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 1 vụ cháy, tăng 1 người chết và tăng 2 người bị thương. Ngoài ra, bước đầu ghi nhận thiệt hại tài sản hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là cháy nhà dân (7 vụ) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp (6 vụ).

Theo ngành chức năng của tỉnh, nguyên nhân vẫn còn nhiều vụ cháy đến từ việc một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ sở và không ít người dân chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên nhiều cơ sở chưa tiến hành bảo trì, bảo dưỡng và trang bị bổ sung các phương tiện, hệ thống PCCC theo quy định.

UBND tỉnh đánh giá, trong những tháng cuối năm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ... ngày càng đa dạng và có quy mô lớn. Kéo theo đó, nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố cháy, nổ... trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội cũng tăng lên và tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.
 
Đáng lo ngại là sự cố cháy trong khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở và cơ sở sản xuất, kinh doanh, vì đây là những nơi có nhiều nguồn nhiệt, nguồn điện, hàng hóa, vật dụng nhưng còn nhiều hạn chế trong công tác PCCC. Cụ thể là hệ thống điện ít được tu sửa, nâng cấp; ngôi nhà, cơ sở sản xuất, đường di chuyển khó có thể mở rộng do diện tích đất có hạn, trong khi hàng hóa, vật dụng lại được mua sắm liên tục nên dẫn tới dễ phát sinh cháy lan khi bị bén lửa.

Riêng tại các cơ sở trong khu công nghiệp, mặc dù có lực lượng PCCC tại chỗ nhưng do có nhiều loại máy móc công suất lớn, lượng hàng hóa, vật tư, thành phẩm lớn nên nguy cơ cháy vẫn luôn tiềm ẩn. Đặc biệt là với các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, bông sợi… dễ cháy lớn, vì đây là những loại hàng hóa dễ cháy, thời gian cháy kéo dài, sinh ra nhiệt lượng lớn gây khó khăn khi chữa cháy.
 
* Tăng khả năng ứng phó cháy trong khu dân cư

Để tăng khả năng ứng phó cháy trong khu dân cư, trong tháng 9-2023, lực lượng chức năng đã tổ chức diễn tập chữa cháy và cứu nạn tại các chung cư, khu dân cư trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang phát động phong trào Mỗi hộ gia đình tự trang bị 1 bình chữa cháy và có ít nhất 1 người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới có hơn 492 ngàn hộ trang bị bình chữa cháy và hơn 519 ngàn hộ có người được tập huấn về PCCC (trên tổng số hơn 778 ngàn hộ toàn tỉnh). Do đó, để đẩy mạnh phong trào này, UBND các xã, phường, thị trấn vừa tích cực vận động người dân, vừa vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thiết bị PCCC cho các hộ nghèo, khó khăn tại địa phương.
 
Tại các doanh nghiệp, Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị quan tâm xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ; đặc biệt chú trọng kiểm tra thay thế những thiết bị điện bị hư hỏng hoặc xuống cấp; kiểm tra bảo dưỡng định kỳ dây chuyền công nghệ sản xuất đúng quy định. Đồng thời lưu ý khi tổ chức thực tập phương án chữa cháy cần có giả định tình huống cháy vào thời gian ngoài giờ làm việc và ban đêm, qua đó tăng cường lực lượng thường trực hoặc hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động phù hợp.
 
Trong thời gian tới, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục mở các lớp tuyên truyền, tập huấn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, địa bàn khu dân cư. Đặc biệt tập trung tại các trường học, các chủ hộ kinh doanh nhà trọ, ký túc xá, khách sạn… Trên cơ sở đó người được tập huấn sẽ về hướng dẫn lại cho học sinh, người thuê trọ, nhân viên các cơ sở để lan tỏa ý thức PCCC và kỹ năng thoát hiểm.
 
Chỉ đạo tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 10-3-2023 của UBND tỉnh quán triệt một số nội dung trọng tâm về đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ ngày 28-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh cần tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các cơ sở vi phạm các quy định về an toàn PCCC. Trên cơ sở đó, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về PCCC; đặc biệt là để xảy ra cháy lớn, cháy đặc biệt nghiêm trọng.

Tác giả: Trúc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây