Trước tình hình nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về sản xuất phải sắp xếp lại lao động, vấn đề trả lương, thưởng và các chế độ, chính sách cuối năm đang được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm. Tổ chức Công đoàn và các ngành chức năng đang nắm bắt tình hình lao động bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp
NLĐ hoang mang khi mất việc
Hơn 1 tuần qua, hàng chục công nhân Công ty TNHH May mặc Minh Giang (TP.Biên Hòa) đã bị mất việc làm đột ngột vì công ty bất ngờ đóng cửa và chủ DN không liên lạc được. Trước đó, ngày 9-12, công nhân đã tới Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) để nhờ hỗ trợ. Theo nhiều lao động, thời gian qua, họ rất thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với công ty nên vẫn đi làm đầy đủ. Tuy nhiên, hiện chủ DN bỏ trốn và NLĐ bị nợ lương khoảng 2,5 tháng. Ngoài ra, khoản tiền bảo hiểm xã hội hơn 2 tháng nay công ty không đóng cho NLĐ.
Anh Nguyễn Hữu Yên (quê tỉnh Thanh Hóa) có thời gian làm việc hơn 1 năm tại công ty cho biết, suốt nhiều ngày qua, anh thường xuyên mất ngủ vì bị mất việc làm và DN nợ lương chưa trả. Trước đây, khi việc làm bình thường, tính cả tăng ca, anh có thu nhập 9 triệu đồng/tháng để lo cho gia đình và nuôi con ăn học. Nay không có việc làm và thu nhập, anh không biết xoay xở ra sao, trong khi vợ anh làm công nhân thời vụ với thu nhập thấp.
Theo anh Yên, trong tháng 8-2022, công ty thông báo khó khăn nên nợ lương của NLĐ. Biết DN ít đơn hàng nên đa số lao động làm việc tại công ty vẫn chia sẻ và đi làm bình thường. Trong tháng 9 và 10, công ty mới trả 1/2 tháng lương/người. Đến tháng 11, NLĐ chưa nhận đồng lương nào thì DN đóng cửa, bỏ trốn. “Nếu chủ DN vẫn không liên lạc được thì tiền lương, các chế độ, chính sách của chúng tôi không biết khi nào mới có, trong khi cuối năm NLĐ rất khó xin việc” - anh Yên bộc bạch.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Cử (quê tỉnh Thanh Hóa) nhiều ngày nay cũng trong tâm trạng lo lắng khi Tết gần đến nơi nhưng tiền lương, việc làm không có. Anh Cử cho biết, mấy tuần trước, NLĐ vẫn đi làm bình thường. Ngày 5-12, DN thông báo cho công nhân nghỉ làm để bộ phận kỹ thuật kiểm tra máy. Đến sáng 6-12, công nhân đi làm thì công ty đã đóng cửa. Quá bất ngờ về sự việc trên, anh Cử cùng nhiều lao động đã tìm cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ, đòi lại quyền lợi của mình.
Cũng theo anh Cử, trong số lao động làm việc tại công ty, có người đang là mẹ đơn thân, có người ở trọ và hoàn cảnh rất khó khăn. Tất cả lao động đều trông chờ vào tiền lương để trang trải cho dịp Tết sắp tới. “Hiện nhiều lao động là trụ cột gia đình nhưng đã lớn tuổi nên rất khó xin việc. Nếu chủ DN bỏ trốn, nguy cơ năm nay chúng tôi sẽ mất Tết và các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày không biết lấy đâu để bù vào. Chúng tôi mong tổ chức Công đoàn, các ngành chức năng sớm vào cuộc để kịp thời hỗ trợ NLĐ” - anh Cử cho hay.
Theo xác minh ban đầu từ Công an P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), Giám đốc Công ty TNHH May mặc Minh Giang là người Việt Nam và ông chủ người Hàn Quốc đã dọn đồ chuyển đi nơi khác từ tối 3-12. Hiện nay còn nợ tiền thuê nhà hơn 660 triệu đồng và tiền lương của 20 công nhân với số tiền gần 250 triệu đồng. Trước đó, qua lắng nghe phản ánh của NLĐ, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã tư vấn pháp lý, hỗ trợ NLĐ làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để được giải quyết.
Cần bảo vệ quyền lợi NLĐ
Tình trạng chủ DN bỏ trốn hoặc cắt đứt liên lạc với công nhân đã diễn ra những năm gần đây. Trước đó, năm 2018, tại Đồng Nai, 2 chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài gồm Công ty TNHH MTV Cho Won (H.Nhơn Trạch) và Công ty TNHH KL Texwell Vina (H.Trảng Bom) cũng bỏ trốn khiến hàng ngàn lao động thất nghiệp và cuộc sống lâm vào khó khăn. Chính quyền địa phương khi đó đã kịp thời vào cuộc hỗ trợ lao động có tiền về quê đón Tết cùng gia đình. Điểm chung của các DN trên là đều nợ lương, bảo hiểm xã hội của NLĐ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, không ít DN chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho NLĐ nghỉ việc trái quy định, đồng thời thực hiện các chế độ, chính sách không đảm bảo. Mới đây, 80 lao động tại Công ty TNHH S-Print Inc (H.Long Thành) đã ngừng việc tập thể. NLĐ yêu cầu DN thông báo rõ về thời gian nghỉ không hưởng lương; đảm bảo các chế độ theo quy định pháp luật khi phải ngừng việc vì lý do thiếu đơn hàng… Sau khi làm việc với đoàn công tác liên ngành, DN cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi cho NLĐ ngừng việc. Theo đó, NLĐ đã trở lại làm việc bình thường.
Thực tế, những tháng cuối năm 2022, bên cạnh những DN thật sự khó khăn về đơn hàng, không có nguyên liệu sản xuất và cần NLĐ cùng chia sẻ khó khăn, vẫn có những DN lợi dụng tình hình để sa thải lao động lớn tuổi bằng cách chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu việc này vẫn xảy ra, NLĐ sẽ rất thiệt thòi, nhất là lao động có thâm niên làm việc lâu năm với mức lương khá cao.
Theo Sở LĐ-TBXH, việc thực hiện các chính sách pháp luật lao động ở DN hiện vẫn còn những hạn chế như: tỷ lệ DN tham gia tập huấn pháp luật lao động chưa nhiều; một số DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên còn sai phạm trong thực hiện các quy định pháp luật lao động… Theo đó, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho chủ DN. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các DN vi phạm pháp luật lao động. Ngoài ra, hướng dẫn các DN thực hiện đầy đủ các chính sách khi giảm giờ làm, bố trí cho NLĐ làm việc luân phiên nếu đơn hàng giảm cuối năm.