Sau gần 2 năm tạm dừng tất cả các dự án nạo vét nhằm thông luồng đường thủy trên sông Ðồng Nai, Cục Hàng hải Việt Nam vừa làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về việc tái triển khai một số dự án nạo vét. Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, tháng 10-2019, Nghị định 159/2018/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa sẽ có hiệu lực, do đó việc rà soát lại các dự án để tiếp tục triển khai là cần thiết.
Trong khi đó, đối với Ðồng Nai, yêu cầu đầu tiên để các dự án này được triển khai trở lại là phải bổ sung đánh giá tác động môi trường và hướng khắc phục cụ thể các tồn tại trước đây.
4 dự án đề nghị tái triển khai
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sông Ðồng Nai và các nhánh phụ phía hạ nguồn (từ cầu Ðồng Nai đổ ra biển) là luồng giao thông đường thủy quan trọng nhất của khu vực Ðông Nam bộ. Ðây là khu vực có hệ thống cảng lớn, dày đặc tạo thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa của các khu công nghiệp trong vùng. Do mật độ phương tiện giao thông đông đúc nên thường xuyên phải được nạo vét, thông luồng nhằm đảm bảo sự lưu thông của phương tiện, đặc biệt là các tàu hàng trọng tải từ 5.000 tấn trở lên.
Một khúc sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đang được đề nghị cho phép tái triển khai dự án nạo vét, thông luồng.
Theo Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Ðình Việt, thời gian qua, các dự án nạo vét, thông luồng hàng hải trên địa bàn cả nước đang được tạm dừng để khảo sát lại theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GT-VT). Hiện Cục Hàng hải Việt Nam đang phối hợp với các địa phương rà soát lại, nghiên cứu phương án chấm dứt hoặc tái triển khai. Việc tái triển khai các dự án theo hình thức xã hội hóa là rất cần thiết vì mỗi năm ngân sách phải bỏ ra từ 1.500 - 1.700 tỷ đồng chỉ để thực hiện công tác nạo vét là rất khó khăn. “Nghị định 159/2018/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa sẽ có hiệu lực từ tháng 10-2019 nên hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án. Theo đó, các dự án đã được ký hợp đồng và đã thực hiện thì tiếp tục triển khai; các dự án đã ký hợp đồng nhưng chưa triển khai thì sẽ rà soát lại”, ông Việt cho hay.
Hiện trên địa bàn Ðồng Nai có 4 dự án xã hội hóa nạo vét do Bộ GT-VT chấp thuận đăng ký thực hiện. Ðó là dự án nạo vét: luồng hàng hải sông Thị Vải, đoạn thượng lưu từ Vàm Bà Riêu Lớn đến sông Quán Chim; luồng sông Ðồng Nai đoạn từ Mũi Ðèn Ðỏ đến Rạch Ông Nhiêu; luồng sông Ðồng Tranh và tuyến Tắc ông Cu đến sông Gò Gia và luồng sông Ðồng Nai từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Ðồng Nai… Những dự án này, theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam sẽ được tỉnh cho phép tái triển khai nhằm đảm bảo luồng nước cho sự lưu thông của vận tải thủy.
Phải đưa đánh giá tác động môi trường vào hồ sơ các dự án
Thống nhất việc xem xét triển khai trở lại các dự án nạo vét thông luồng hàng hải nói trên song về phía Ðồng Nai, lãnh đạo tỉnh cho rằng yêu cầu tiên quyết là phải có nội dung đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ dự án. Bởi lẽ, khi tiến hành nạo vét sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Ðồng Nai cũng như có thể gây sạt lở bờ sông…
Bên cạnh đó, có một thực tế là khi nạo vét chắc chắn sẽ có bùn và tạp chất, tuy nhiên các dự án nạo vét này lại chưa chỉ rõ được vị trí để chôn lấp bùn cũng như tạp chất thu được trong quá trình nạo vét. Nếu không xác định được vấn đề này thì việc nạo vét bùn sẽ không rõ ràng. “Trước khi xem xét việc cấp phép tái triển khai, các dự án nạo vét thông luồng nói trên phải bổ sung đầy đủ đánh giá tác động môi trường. Theo đó, các nội dung cần bổ sung là khi nạo vét có gây ra tác động sạt lở bờ sông hay không, giải quyết phần bùn ra sao, nơi đổ bùn ở đâu?… Ðiều này nhằm để tránh trường hợp nhà đầu tư chỉ nạo vét lấy cát rồi bỏ lại bùn. Ngoài ra, các dự án cũng phải quy định loại tàu nạo vét và phương tiện nạo vét là loại gì; thời gian triển khai nạo vét cần phải kiểm soát kỹ, không nạo vét vào ban đêm để tránh nhầm lẫn với “cát tặc”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc nạo vét các khúc sông bị bồi lắng lâu ngày để đảm bảo độ sâu cho tàu bè di chuyển là điều cần thiết. Do tính chất quan trọng và ảnh hưởng đến môi trường của các dự án nên Thường trực Tỉnh ủy rất quan tâm và yêu cầu UBND tỉnh phải có rà soát, giải trình trước khi cho phép tái triển khai. Chỉ những dự án thực sự cần thiết và trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cam kết không gây sạt lở, không ảnh hưởng đến môi trường mới cho tái triển khai.
Trên cơ sở đó, Ðồng Nai đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các sở, địa phương liên quan tiến hành thực địa toàn bộ lưu vực sông tại các dự án dự kiến triển khai nhằm xác định rõ có cho phép tiếp tục thực hiện hay không? Riêng đối với các doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải có cam kết đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, cần loại bỏ những nhà thầu yếu kém, thiếu năng lực và ưu tiên những đơn vị đã có kinh nghiệm, tránh việc địa phương phải xử lý các vấn đề tồn tại về sau.
Văn Gia
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập