Sụt giảm số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 04/05/2022 15:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 3-2022, toàn tỉnh có hơn 2,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 81,5% dân số, thấp hơn 10,5% so với chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao.
1d881078-66be-4b4a-9d6f-8acad7332c48.jpg
Bệnh nhân khám ngoại trú nhận thuốc BHYT trước khi ra về
Giảm 10% dân số tham gia BHYT
Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong số các nhóm đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, nhóm người lao động và người sử dụng lao động hiện chiếm tỷ trọng cao nhất với 31,3%.  Tiếp đến là nhóm người tham gia BHYT hộ gia đình (25,4%), nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT (21,9%, trong số này, nhóm học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ 98,8%); nhóm ngân sách nhà nước đóng BHYT (18,1%). Cuối cùng là nhóm được Tổ chức BHXH đóng (3%).
Ông Phạm Long Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, đến cuối tháng 3-2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giảm hơn 178,8 ngàn người so với cuối năm 2021, tương đương với 10% dân số.
Cụ thể, nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo chưa tham gia BHYT là hơn 6,7 ngàn người do từ năm 2022, ngân sách nhà nước đã không còn hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho nhóm đối tượng này như trước. Nhóm học sinh, sinh viên giảm hơn 30,7 ngàn người. Nguyên nhân là do nhiều gia đình học sinh, sinh viên là lao động nhập cư, thu nhập giảm sút do dịch bệnh Covid-19 hoặc gia đình cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn dẫn đến chưa tham gia BHYT.
Đặc biệt, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm đến 150 ngàn người do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chi phí vật giá ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, đặc biệt đối với một số nhóm cá biệt, yếu thế như người dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo, người từ 60-79 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình mới thoát nghèo, thoát cận nghèo; người lao động mất việc làm đã hết thời gian hưởng BHYT trợ cấp thất nghiệp quá 3 tháng; người dân thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình nhưng chưa có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã giảm 1 ngàn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc ấp 4, xã Tà Lài, H.Tân Phú do không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ BHYT.
Nhiều nguyên nhân tác động
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến sụt giảm số người tham gia BHYT, phải kể đến nguyên nhân chủ quan là một bộ phận người dân chưa nhận thức sâu sắc về chính sách BHYT, về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, chưa có ý thức dự phòng bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và gia đình, còn có tư tưởng chờ đến khi ốm đau mới mua thẻ BHYT.
Ngoài ra, chính sách khám, chữa bệnh BHYT chưa thực hiện được đa dạng dạng các dịch vụ BHYT, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân trong xã hội; chưa điều chỉnh các mức đóng, mức hưởng chế độ BHYT phù hợp với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao nên cũng ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia BHYT.
Để đạt 92% người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT, từ nay đến cuối năm, ngành BHXH Đồng Nai phải phát triển thêm hơn 321,7 ngàn người tham gia BHYT. Trong đó, trách nhiệm của Văn phòng BHXH tỉnh cần phát triển thêm hơn 112,5 ngàn người, các địa phương trong tỉnh phát triển thêm hơn 209,2 ngàn người. Một số địa phương cần phát triển số lượng lớn như: H.Nhơn Trạch 26,5 ngàn người, H.Long Thành 25,5 ngàn người, H.Trảng Bom 25,7 ngàn người…
Từ thực trạng trên cho thấy việc ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn. Đồng thời, giúp nâng cao tỷ lệ bao phủ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.
Ông Nông Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, về tiến độ tham mưu Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025, ngày 12-4-2022, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Tờ trình và đến ngày 18-4, HĐND tỉnh đã có văn bản nhất trí với chủ trương ban hành chính sách này của UBND tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện lập đề nghị xây dựng Nghị quyết theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu chính sách này được ban hành, dự kiến sẽ có trên 210 ngàn người dân được đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, qua đó nâng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.
Việt Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây