Sức hút từ Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng

Thứ sáu - 30/12/2022 15:42
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Qua 7 lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai đã thu hút hàng ngàn học sinh các cấp trong tỉnh tham dự với hàng ngàn giải pháp dự thi. Các giáo viên đánh giá, cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích, giúp các em học sinh có cơ hội trình bày, triển khai các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, hạn chế đã và đang tồn tại trong học tập cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Năm 2023, tất cả thanh, thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh từ 6-19 tuổi có thể đăng ký tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai ở các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Nhóm tác giả đạt giải ba quốc gia nhận khen thưởng từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng
Nhóm tác giả đạt giải ba quốc gia nhận khen thưởng từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng

Chế tạo ghế tăng cường phục hồi chức năng

Sau một thời gian mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A đã thực hiện được chiếc ghế tăng cường phục hồi chức năng và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người khó vận động. Giải pháp này xuất sắc đoạt giải nhất cấp tỉnh.
Em Nguyễn Hà Duy Tân cho biết, nhận thấy nhiều người có nhu cầu tập vật lý trị liệu tại nhà sau khi điều trị, phẫu thuật nên nhóm tác giả đã quyết định thực hiện giải pháp trên. Không chỉ giúp bệnh nhân không phải di chuyển đường sá xa xôi đến bệnh viện để tập vật lý trị liệu.

Nhóm tác giả đã khảo sát trên nhiều bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật, điều trị chuyên sâu trước đó tại các bệnh viện và nhận thấy phần lớn bệnh nhân được chỉ định tập vật lý trị liệu là những người gặp khó khăn trong vận động cũng như việc đi lại. Do đó, họ cần phải tập vật lý trị liệu để duy trì và đảm bảo phục hồi tốt các chức năng trong cơ thể.

Với việc ứng dụng những kiến thức đã được học và tự tìm hiểu, cùng với sự hỗ trợ của thầy giáo Nguyễn Thanh Phương (giáo viên Công nghệ), nhóm học sinh đã thực hiện xong chiếc ghế tăng cường phục hồi chức năng.

Qua đó, giúp bệnh nhân chủ động, tích cực trong việc tập vật lý trị liệu, di chuyển tại nhà, nâng cao khả năng phục hồi các chức năng vận động. Ngoài ra, chiếc ghế còn có thể thực hiện yêu cầu trợ giúp liên hệ với người thân và phát ra tín hiệu âm thanh cảnh báo khi xe bị lật hoặc khi bệnh nhân có dấu hiệu nhịp tim/nồng độ oxy trong máu không ổn định.

Chiếc ghế được thiết kế bởi các loại vật liệu êm, có hệ thống quạt gió thông thoáng để bệnh nhân khi ngồi trên đó có cảm giác thoái mái, tránh bức bí khi ngồi trong thời gian dài…

“Chúng em tin rằng đây là thiết bị hữu dụng và cần thiết trong việc tập vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh nhờ những tính năng công nghệ hiện đại. Ngoài những bệnh nhân khó vận động sau phẫu thuật, điều trị chuyên sâu, chiếc ghế này còn có tác dụng hỗ trợ sức khỏe đối với người già và những người khó vận động” - em Đinh Quang Sơn bộc bạch.

Ban tổ chức trao giải nhất cho các nhóm tác giả tham gia cuộc thi cấp tỉnh
Ban tổ chức trao giải nhất cho các nhóm tác giả tham gia cuộc thi cấp tỉnh

Chiếc cân điện tử hữu dụng

Dù mới là lần đầu tiên tham gia cuộc thi nhưng đôi bạn Võ Ngọc Gia Hân và Phạm Mai Phương, Trường THCS Võ Trường Toản, H.Vĩnh Cửu đã giật được nhiều giải thưởng cao.

Với giải pháp Cân điện tử thông minh hỗ trợ người khiếm thị trong kinh doanh, buôn bán nhỏ, nhóm tác giả đã xuất sắc đoạt giải nhì cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia. Đây là giải ba duy nhất trong tổng số 20 giải pháp của tỉnh Đồng Nai được lựa chọn dự thi cấp quốc gia.

Mai Phương chia sẻ, trong cuộc sống hàng ngày, em nhận thấy có nhiều người khiếm thị không có công việc làm ổn định để mưu sinh, phải làm những công việc rất vất vả, thậm chí nguy hiểm. Do đó, 2 bạn và cô giáo Đinh Thị Kim Anh (giáo viên dạy Vật lý) đã cùng nhau lên ý tưởng thực hiện một chiếc cân điện tử thông minh để giúp người khiếm thị có thể sử dụng để buôn bán nhỏ tại chợ hoặc tại nhà, không phải thường xuyên di chuyển, làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Gia Hân cho hay, để thực hiện giải pháp này, các em đã ứng dụng những kiến thức đã được học trong môn Vật lý và Tin học, đồng thời nhờ sự hỗ trợ từ phía các thầy, cô giáo bộ môn để hoàn chỉnh những nội dung cần thiết.

Trên chiếc cân điện tử thông minh có gắn 1 camera cảm biến. Camera này có thể nhận biết được khách đến quầy mua hàng trong phạm vi 1,2m để phát ra tiếng “Xin chào quý khách”. Sau khi người mua hàng lựa chọn hàng hóa (như rau, củ, quả) sẽ đặt hàng hóa lên cân. Cân sẽ ghi nhận khối lượng hàng hóa, tính tiền theo đơn giá đã được cài đặt trước đó, đọc khối lượng, giá tiền của hàng hóa cho cả người mua và người bán nghe.

Do cân hoạt động dựa trên sự thay đổi của điện trở gắn trong bộ cảm biến cân nặng loadcell nên khi đặt hàng hóa lên cân thì điện trở thay đổi. Người bán hàng có thể nhấn phím G để nghe lại cân nặng của hàng hóa và nhấn phím $ để nghe lại giá tiền hàng. Toàn bộ những bàn phím trên cân được thiết kế bằng chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Với những khách hàng mua cùng lúc nhiều loại sản phẩm khác nhau, sau khi cân trình tự từng loại hàng hóa, chiếc cân sẽ tự động cộng dồn số tiền của các mặt hàng. Đến khi kết thúc hoạt động mua hàng, người bán hàng chỉ cần nhấn phím # là có thể nghe được tổng số tiền của tất cả các loại hàng hóa mà khách hàng đã mua. Đến những người mua hàng kế tiếp, người bán nhấn phím  để trả cân về số 0 rồi thực hiện hoạt động mua bán tiếp theo.

Mai Phương chia sẻ, điều mà các em mong muốn nhất khi thực hiện giải pháp này là sẽ được mạnh thường quân, nhà đầu tư quan tâm, tài trợ để có thể sản xuất ra nhiều chiếc cân điện tử thông minh, đưa sản phẩm vào thực tế sử dụng, hỗ trợ người khiếm thị có cơ hội việc làm tốt hơn, có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây