Sinh thái rừng - Điểm nhấn du lịch của Đồng Nai năm 2022

Thứ hai - 24/01/2022 13:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn khu vực Đông Nam bộ. Rừng ở Đồng Nai được các nhà khoa học đánh giá là có đa dạng sinh học bậc nhất khu vực. Hệ sinh thái dưới nước và trên cạn kết hợp đã tạo nên nhiều khu vực cảnh quan đẹp, thích hợp phát triển du lịch sinh thái.
Việc khai thác các giá trị của tài nguyên rừng để tăng nguồn thu, giảm chi ngân sách, cải thiện đời sống người dân địa phương và tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch là định hướng lâu dài của tỉnh.
2fdda474c48609d85097.jpg
Đoàn khách đi thực tế tại rừng Cát Tiên
Tiềm năng, lợi thế lớn
Đồng Nai có hơn 171 ngàn ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng. Từ trước những năm 2000, tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên nên diện tích đất rừng và hệ đa dạng sinh học gần như được bảo toàn và không ngừng gia tăng. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm cho người dân địa phương và tăng nguồn thu tái phục vụ cho phát triển rừng, tỉnh có chủ trương cho thuê đất rừng ở khu vực có lợi thế làm du lịch.
Rừng có lợi thế khai thác du lịch lớn nhất ở Đồng Nai là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu). Khu vực này có hơn 100 ngàn ha, trong đó diện tích đất rừng 68 ngàn ha. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, rừng thuộc Khu Bảo tồn có nhiều lợi thế cho phát triển dịch vụ. Về cảnh quan tự nhiên có công viên đá, thác Ràng; các hồ nước lớn, đảo trên hồ, đặc biệt là hồ Trị An; các loài động vật hoang dã và thực vật rừng vô cùng đa dạng. Ngoài ra, rừng còn có các di tích lịch sử cấp quốc gia: căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và địa đạo Suối Linh. Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng, tuyến du lịch đã được hình thành để đón du khách. Trung tâm Văn hóa sinh thái lịch sử Chiến khu Đ là đơn vị khai thác du lịch.
Khu vực Thác Mai, Bàu nước sôi (H.Định Quán) cũng có nhiều lợi thế khai thác du lịch. Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay đường vào các điểm thăm quan đã được tỉnh đầu tư đường nhựa. UBND H.Định Quán và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cũng thực hiện nhiều công trình hạ tầng phục vụ khai thác du lịch như: địa điểm cắm trại qua đêm, nhà vệ sinh , điểm dừng chân ăn uống, khu vực ngâm cát, tắm bùn. Trên cơ sở Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 mới được duyệt, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú sẽ xây dựng kế hoạch và mời gọi các tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, liên doanh thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái ở các khu vực có lợi thế. Mục tiêu doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm vào năm 2030.
Điểm nhấn cho phát triển du lịch sinh thái rừng ở Đồng Nai là rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch với tổng diện tích gần 8 ngàn ha, trong đó 4,9 ngàn ha có rừng. Nơi đây được mệnh danh là “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam bộ. Không chỉ có cảnh quan đẹp, nơi đây còn là bờ bao bảo vệ vùng phía Nam của tỉnh, ngăn mặn và phèn.
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho rằng, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Điểm nhấn của khu vực này là du khách có ngồi thuyền dạo sông và ngắm nhìn những hàng cây xanh thẳng tắp chẳng khác nào tour du lịch sông nước ở miền Tây. Kết thúc tour dừng chân thưởng thức thủy sản tươi sống trên sông nước. Đơn vị đang mời gọi các nhà đầu tư. Trong đó, sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí câu, bắt cá, các trò chơi mạo hiểm, chèo thuyền, cầu đi bộ trong rừng để du khách có thể tham quan và chụp ảnh lưu niệm…
Điểm nhấn cho phát triển du lịch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai có rất nhiều rừng có phong cảnh đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của các đơn vị, trong đó chú trọng khai thác các giá trị về mặt kinh tế nhằm tạo nguồn thu, tạo việc làm cho người dân. “Giữ gìn, bảo vệ và phát triển hệ đa dạng sinh học, diện tích rừng là ưu tiên hàng đầu nhưng khai thác các lợi thế để làm gia tăng các giá trị cần được chú trọng. Hiện một số nhà đầu tư đã đặt vấn đề thuê đất rừng phát triển du lịch sinh thái, tỉnh đang xem xét hồ sơ năng lực, điều kiện và phương án của nhà đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trong tương lai phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng sẽ là điểm nhấn về du lịch. Do đó, tỉnh sẽ đầu tư một số công trình hạ tầng; tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành như: VH-TTDL, Công Thương, GD-ĐT và UBND các địa phương có rừng tổ chức các hoạt động để kích cầu du lịch, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, gắn du lịch với đầu ra các sản phẩm nông nghiệp, thủ công. Để tạo điều kiện cho các dự án du lịch trên đất rừng, tỉnh sẽ làm việc với các đơn vị tìm cách tháo gỡ các vướng mắc.
Hòa Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây