Hiện tại các nhà vườn cho đến hộ chăn nuôi, trang trại đều gặp khó khăn về đầu ra vì các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM như: chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức đều tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid – 19. Đây là thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai.
Giá heo hơi giảm sâu vì thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP.HCM giảm sức mua. Trong ảnh một trại nuôi heo tại huyện Thống Nhất
Trong khi đó, giá nhiều loại thực phẩm bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại lại tăng cao. Trong đó, có nguyên nhân chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa tăng do phân phối khó khăn và tốn các chi phí theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Giá thấp nơi sản xuất
Thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rộ vụ thu hoạch trái cây hè. Giá nhiều loại trái cây hè bán tại vườn đang giảm sâu so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một nhà vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) chia sẻ, mọi năm nhà vườn làm du lịch, mùa trái cây hè khách về rất đông nên các loại đặc sản trái cây như chôm chôm, măng cụt, mít luôn bán được với giá tốt. Vụ hè năm nay, nhà vườn không có khách do dịch Covid - 19, nhiều mặt hàng trái cây rớt giá hơn hẳn mọi năm.
Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang khó khăn vì giá gia cầm, heo hơi cũng đồng loạt giảm, đặc biệt heo hơi hiện đang có giá thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi trở lại đây. Cụ thể, hiện giá heo hơi bán tại trại chỉ còn từ 54-56 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó, nhiều trại có heo trọng lượng lớn sẵn sàng bán thấp hơn hẳn mức giá chung của thị trường đế đẩy được hàng. Giá heo giảm sâu do các chợ đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất TP.HCM như Tân Xuân, Bình Điền đều tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Theo đó, hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho hay, đội ngũ thương lái ở H.Thống Nhất chuyên cung cấp thịt heo vào các chợ đầu mối ở TP.HCM nhiều trường hợp bị F0, còn lại hầu hết bị cách ly vì đi/về từ vùng dịch. Hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ. Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được. Theo ông Đoán: “Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại, heo càng để tăng trọng lượng càng khó bán. Những trại nuôi heo trong vùng dịch càng như ngồi trên lửa, heo đến lứa xuất bán, họ sẵn sàng bán với giá thấp hơn mặt bằng chung ngoài thị trường vì càng để càng thiệt hại”.
Giá gia cầm bán tại trại cũng đang giảm sâu. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ so sánh: “Thời gian qua, giá gia cầm nói chung, nhất là gà công nghiệp liên tục trên đà giảm. Ngay sau khi các chợ đầu mối ở TP.HCM lần lượt tạm ngưng hoạt động, giá gà công nghiệp tiếp tục giảm sâu. Hiện giá gà bán tại trại đang dưới giá thành sản xuất, chỉ còn dưới 20 ngàn đồng/kg, giảm 6-7 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng”.
Vùng trái cây tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) cũng gặp khó khăn về đầu ra vì khó đưa hàng về thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM.
Giá bán lẻ tăng
Các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM như: chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức đều phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch bệnh. Điều này dẫn đến nguồn cung bị ảnh hưởng kéo theo giá một số mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng lên. Các chợ đầu mối của tỉnh Đồng Nai và nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đang tạm ngưng hoạt động khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc mua thực phẩm. Giá bán lẻ thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu như rau, củ quả, thịt heo, trứng…đến tay người tiêu dùng lại tăng cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân chi phí khâu trung gian đội lên không ít vì dịch bệnh.
Lo lắng vì chi phí trong khâu phân phối tăng, ông Trần Xuân Hoàng, nhà xe chuyên cung cấp nông sản từ H.Xuân Lộc lên các chợ đầu mối ở TP.HCM cho biết, do các chợ đầu mối đóng cửa, nhà xe hiện không giao hàng về chợ mà tổ chức giao trực tiếp từ xe người cung cấp sang xe bạn hàng. Để đưa hàng vào TP.HCM, tài xế và lơ xe đều phải xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính Covid-19. Giấy này chỉ có hiệu lực trong vòng 3 ngày nên chỉ tính riêng chi phí này đã đội lên hơn 1 triệu đồng/tuần so với trước. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là lượng hàng cung cấp cho TP.HCM giảm mạnh, có thời điểm ngừng cung cấp nhưng mọi chi phí xăng, xe, nhân công vẫn vậy khiến nhà xe cũng đang trong cảnh gồng mình chịu lỗ.
Phan Anh