(CTT-Đồng Nai) - Ngày 26-3, tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã Chủ trì buổi tiếp công dân theo quy định. Tham gia tiếp công dân với Quyền Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành chuyên môn của tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Chi cục Thủy sản và UBND huyện Định Quán, UBND xã Phú Ngọc.
Các công dân được tiếp là ông Nguyễn Văn Khiêm, CCCD số 075068000976, địa chỉ: Ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cùng 6 công dân khác theo Giấy mời của UBND tỉnh.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì buổi tiếp công dân.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì buổi tiếp công dân.
1. Nội dung trình bày của công dân Nguyễn Văn Khiêm và một số công dân: Kiến nghị gặp Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp công dân, xem xét giải quyết chuyển đổi ngành nghề hoặc được hỗ trợ kinh phí để trang trải cuộc sống cho ông Nguyễn Văn Khiêm và một số hộ dân khi không sinh sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An; kiến nghị cho các công dân tiếp tục khai thác thêm thời gian 06 tháng để ổn định cuộc sống; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vay nguồn vốn chính sách để chuyển đổi ngành nghề nghiệp; kiến nghị xem xét, đánh giá lại việc tác động của nghề te, nghề cào ốc hến để đưa ra khỏi danh sách ngành nghề cấm.

Công dân nêu ý kiến tại buổi tiếp công dân
Công dân nêu ý kiến tại buổi tiếp công dân
2. Ý kiến của UBND huyện Định Quán:Căn cứ Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chế hộ hỗ trợ ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Định Quán đã ban hành Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 và Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 06/9/2023 về việc phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ ngư dân chấm dứt nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản cho các công dân trên địa bàn xã Phú Ngọc. Ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân đã thống nhất nhận kinh phí hỗ trợ và cam kết tự nguyện phối hợp với UBND xã Phú Ngọc trong công tác giao nộp, thu hồi ngư cụ cấm khai thác thủy sản.
Ngày 03/11/2023, UBND huyện Định Quán phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Chi cục Thủy sản, UBND xã Phú Ngọc tổ chức hội nghị đối thoại với ông Nguyễn Văn Khiêm và một số hộ dân tại xã Phú Ngọc, tại buổi đối thoại các đơn vị đã trao đổi, đối thoại và tiếp tục phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định nghề, ngư cụ thuộc danh mục bị cấm theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản. Qua đó, giải thích thêm với người dân về các tiêu chí khi đưa nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) vào danh mục cấm khai thác theo quy định. Nghề, ngư cụ này gây nguy hại đến môi trường sống của các loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được cơ quan chuyên môn đánh giá tác động, hướng tới mục đích cuối cùng là bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với khai thác hợp lý và hướng tới thế hệ tương lai. Thông qua buổi đối thoại, các đơn vị đã vận động, khuyến khích hộ dân làm các loại nghề, ngư cụ cấm chấp hành theo quy định hiện hành, định hướng sớm chuyển đổi nghề, ngư cụ khai thác thủy sản hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
Tại buổi tiếp công dân, đại diện UBND huyện Định Quán có thông tin đến công dân một số chính sách hỗ trợ tại địa phương đối với các hộ dân, cụ thể:
- Về nội dung đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp: Các hộ dân có nhu cầu đào tạo nghề thì đăng ký danh sách với UBND xã Phú Ngọc, hàng năm UBND huyện tổng hợp và có kế hoạch đào tạo nghề cho các công dân tùy theo học vấn của từng người. Hiện Cụm CN Đồng Phú Cường cũng đang tuyển lao động nếu các hộ có nhu cầu thì liên hệ xin vào làm việc.
- Về nội dung công dân kiến nghị tiếp cận vốn vay: Các công dân có thể tham gia Hội nông dân xã hoặc các đoàn thể khác như hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hành chính sách theo hình thức ủy thác bảo lãnh của hội (hình thức tín chấp). Con của các hộ dân nếu có nhu cầu học cấp 3 thì UBND huyện sẽ giới thiệu và hỗ trợ học tại 3 trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán báo cáo về việc giải quyết chính sách cho công dân
Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán báo cáo về việc giải quyết chính sách cho công dân
3. Ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân trước đây các hộ dân khai thác thủy sản bằng nghề te, dồn nay chuyển sang nghề cào nhuyễn thể “cào ốc, bắt hến”.
Theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành về việc hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; trong đó, tại Phụ lục II quy định danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản. Sau khi rà soát các loại nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh có các loại nghề, ngư cụ cấm như: Lồng xếp, te, đăng, đáy.
Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT gày 18/01/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản; trong đó có sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT và cụ thể sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản tại Phụ lục II như: (1) Không cấm nghề đăng. (2) Bổ sung 02 nghề cấm: Nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc) và nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông).
Căn cứ tại Phụ lục II, Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, quy định cụ thể các loại nghề ngư cụ cấm hoạt động trong khai thác thủy sản tại các vùng được quy định như sau:
Theo phụ lục nghề ngư cụ cấm như trên thì “nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông)” quy định cấm khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội đồng.
Nhuyễn thể bao gồm ốc, hến,... và quy định không cấm hoàn toàn nghề cào nhuyễn thể. Trường hợp nghề cào nhuyễn thể (ốc, hến) không kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi thì vẫn được phép hoạt động; trường hợp nghề cào nhuyễn thể (ốc, hến) có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi thì không được phép hoạt động theo quy định tại thứ tự số 5, Phụ lục II, Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT.
Như vậy, đề nghị ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân sử dụng biện pháp khai thác phù hợp, không vi phạm quy định về nghề, ngư cụ cấm hoặc liên hệ với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai để được hướng dẫn chuyển sang nghề khai thác thủy sản khác phù hợp theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 04 buổi làm việc để vận động, tuyên truyền các quy định về quản lý nhà nước về khai thác thủy sản đến các công dân biết trong đó có ông Nguyễn Văn Khiêm và các công dân tham dự

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
4. Ý kiến của Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai:
Từ khi Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho các hộ dân kéo dài thời gian khai thác để ổn định cuộc sống, chuyển đổi ngành nghề. Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai đã phối hợp với UBND huyện Định Quán nhiều lần vận động, tuyên truyền đến các công dân. Đề nghị ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân sử dụng biện pháp khai thác phù hợp, không vi phạm quy định về nghề, ngư cụ cấm hướng tới mục đích là bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với khai thác hợp lý và hướng tới thế hệ tương lai.
5. Ý kiến của Sở Tư pháp:
Việc kiến nghị của các công dân xem xét lại Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018, Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 là văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng rộng rãi, nhiều đối tượng, bảo đảm thực hiện bằng pháp chế của Nhà nước. Việc kiến nghị của công dân được ghi nhận nhưng hiện Thông tư có hiệu lực thi hành thì vẫn phải thực hiện, áp dụng.
6. Ý kiến của các đơn vị liên quan tham dự:
Thống nhất với ý kiến báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của UBND huyện Định Quán, đề nghị các hộ dân sử dụng biện pháp khai thác phù hợp, không vi phạm quy định về nghề, ngư cụ cấm.

Công dân trao đổi tại buổi tiếp
Công dân trao đổi tại buổi tiếp
7. Kết luận của người chủ trì: Sau khi nghe công dân trình bày nội dung, ý kiến của các ngành, đơn vị có liên quan tham dự tại buổi tiếp và xem xét các hồ sơ, tài liệu có liên quan, ông Võ Tấn Đức – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì kết luận:
Ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân trước đây các hộ dân khai thác thủy sản bằng nghề te, dồn nay chuyển sang nghề “cào ốc, bắt hến” thì không được phép hoạt động theo quy định tại Phụ lục II, Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT, đề nghị ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân sử dụng biện pháp khai thác phù hợp, không vi phạm quy định về nghề, ngư cụ cấm.
Ông Nguyễn Văn Khiêm và các hộ dân có hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề te, dồn và đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chế hộ hỗ trợ ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, nên nay đề nghị tiếp tục được hỗ trợ là không phù hợp.
Đề nghị UBND huyện Định Quán phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai và các cơ quan có liên quan tiếp tục phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và giải thích rõ các quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018, Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các hộ dân hiểu rõ các ngành nghề bị cấm và được phép hoạt động, để hướng dẫn các biện pháp khai thác phù hợp.
Đề nghị UBND huyện Định Quán làm việc với Ngân hàng chính sách để hướng dẫn các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay theo quy định.