“Quả ngọt” từ những hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Thứ ba - 03/04/2018 23:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Từ các buổi trải nghiệm IOT, 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Biên Hòa) đã được chọn để tham gia cuộc thi “Đua thuyền lập trình Arduino bằng năng lượng mặt trời” do Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Kết quả, cả hai đội tuyển dự thi của trường đều đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất và 1 giải ba. Thành tích này bước đầu cho thấy hiệu quả của các hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.​

Niềm vui từ những trải nghiệm thực tế

Cuộc thi “Đua thuyền lập trình Arduino bằng năng lượng mặt trời” là một trong những nội dung nằm trong hoạt động của ngày hội Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh (Open Day) của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 32 đội tuyển đến từ các trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... dự thi. Riêng Đồng Nai chỉ có Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh tham gia hoạt động này.

Theo đó, các đội dự thi sẽ tự thiết kế và chế tạo loại thuyền chỉ chạy bằng năng lượng duy nhất là điện từ pin mặt trời. Thuyền chạy tự động theo nguyên lý mới, được lập trình, tự dò đường bằng siêu âm (âm thanh) hoặc hồng ngoại (ánh sáng), mỗi thuyền có 1 tấm pin do đơn vị tổ chức phát. Trước khi diễn ra cuộc thi, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã cử giáo viên hướng dẫn kỹ thuật thiết kế thuyền đua.

Ngay khi nhận được thông báo về cuộc thi, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã chọn ra 10 học sinh, thành lập 3 đội tuyển để chế tạo thuyền. Tuy nhiên, đến ngày thi, chỉ có 2 đội hoàn thành được sản phẩm. “10 học sinh này chính là những nhân tố ưu tú, tích cực mà chúng tôi chắt lọc được từ các buổi trải nghiệm IOT do nhà trường tổ chức trong thời gian qua. Đây là những học sinh thể hiện rõ niềm đam mê với công nghệ thông tin, kỹ thuật và có chí hướng theo đuổi những ngành nghề này trong tương lai”, thầy Phan Tấn Phú, phụ trách hoạt động IOT của trường cho biết.


Các thành viên tích cực của hoạt động trải nghiệm IOT cùng nhau hoàn thành sản phẩm để tham gia cuộc thi “Đua thuyền lập trình Arduino bằng năng lượng mặt trời”.

Quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, Ban giám hiệu nhà trường đã hỗ trợ tối đa cho các học sinh, từ kinh phí mua các thiết bị, giáo viên hướng dẫn, thậm chí đi tìm mua các linh kiện phù hợp… Kết quả 1 giải nhất và 1 giải ba của cuộc thi mà các em học sinh đạt được chính là sự đền đáp xứng đáng cho sự “đầu tư” của nhà trường. Giải thưởng cũng cho thấy hiệu quả của nỗ lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh mà Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức trong thời gian qua.

Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo

Thành viên nhỏ tuổi nhất của 2 đội tuyển dự thi là em Hà Hoàng Hiệp (lớp 10A6). Em là một trong những thành viên tích cực nhất trong các buổi trải nghiệm IOT do nhà trường tổ chức. Theo thầy Phan Tấn Phú, Hiệp rất đam mê lập trình và chịu khó học hỏi. Vì vậy, tuy rằng những kiến thức áp dụng trong cuộc thi là khá cao so với trình độ của em nhưng nhà trường vẫn chọn em vào đội dự thi. Thực tế, nhờ nỗ lực tự học, em có thể đáp ứng được phần nào những công việc của đội tuyển.

Hoàng Hiệp chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi, em thấy rất vui vì từ đây em có thể bắt đầu theo đuổi đam mê của bản thân với lĩnh vực CNTT. Cũng từ cuộc thi, em có thể học thêm được nhiều kiến thức mới về CNTT và có thể áp dụng một số kiến thức mà mình đã học vào thực tế. Em cũng đã có hiểu biết sơ lược và bắt đầu tự học lập trình C ở nhà”.

Em Trần Quốc Đạt (lớp 12A9) cho biết: “Trong quá trình làm sản phẩm, chúng em gặp khá nhiều khó khăn về phần mềm và phần động cơ. Về phần động cơ, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cấp cho mỗi đội 1 tấm pin năng lượng mặt trời. Chúng em phải tìm được động cơ phù hợp với dòng điện và hiệu điện thế của tấm pin này. Về phần mềm, chúng em phải xử lý sao cho khoảng cách tính được từ 2 cảm biến của thuyền, đưa ra thông số xử lý để nó không va chạm vào làn đường hai bên. Kết thúc cuộc thi, ngoài việc giải quyết được các “bài toán” mà Ban tổ chức đưa ra, điều khiến em tâm đắc nhất là mọi người biết tận dụng thế mạnh của nhau để cùng giải quyết công việc”.

Còn em Lê Nguyễn Đức Anh(11A9) thì cho hay: “Bản thân em thấy cuộc thi hữu ích cho bản thân em và các bạn tham gia vì chúng em có thể tiếp cận được những môn học mới mà chúng em chưa được học ở trường phổ thông. Từ đó, khơi dậy lòng đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của các bạn cũng như chính bản thân em”.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, trong đó IOT và trí tuệ nhân tạo là 2 nhân tố chính. Thời gian gần đây, trường chúng tôi đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh tìm hiểu về IOT. Tham gia cuộc thi mà Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức cũng là một trong những hoạt động trải nghiệm này. Việc chế tạo được chiếc thuyền (tự lái) lập trình Arduino bằng năng lượng mặt trời tương đương với một học phần chuyên ngành của các sinh viên ngành Cơ điện - điện tử của các trường đại học. Theo tôi, nếu các em có đam mê và chịu theo đuổi thì sau này các em sẽ rất thành công ở lĩnh vực mà các em yêu thích”, thầy Phú chia sẻ. 

Hải Yến

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây