Phục dựng gốm Biên Hòa trên di tích Xuân Nhâm Dần 2022

Thứ tư - 05/01/2022 15:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Những ngày cuối tháng 12, xưởng gốm Hiến Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) trở nên rộn ràng hơn khi cả chủ và thợ gốm đang tích cực hoàn thiện các sản phẩm gốm phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và gốm để trang trí, phục dựng cho các đình, chùa, miếu… trên địa bàn tỉnh.
5.1-06 Phục dựng gốm Biên Hòa trên di tích Xuân Nhâm Dần 2022 H1.jpg
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến gắn các tiểu tượng bằng gốm trên nóc đình, chùa ở TP.Biên Hòa chuẩn bị Tết Nhâm Dần 2022
Có hàng trăm tiểu tượng, linh vật với đủ màu sắc được các nghệ nhân tích cực hoàn thiện và đưa vào lắp ráp trên các di tích.
Phục dựng giống 80-90% bản gốc
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, chủ xưởng gốm Hiến Nam cho biết, không chỉ trong dịp cuối năm các đình, chùa chỉnh trang di tích chuẩn bị phục vụ du khách nhân dịp Tết đến, Xuân về mà từ đầu năm đến nay xưởng khá bận rộn bởi việc phục dựng các công trình. Hầu hết các di tích, đình, chùa đều có thời gian xây dựng từ hàng trăm đến cả ngàn năm, nhiều sản phẩm gốm trong đó bị mất cắp, hư hao theo thời gian nên việc phục dựng phải đi theo một quy trình, từ khảo sát, đánh giá, nghiên cứu và lên kế hoạch cụ thể.
“Những dòng gốm trang trí trên nóc các đình, chùa trên địa bàn Biên Hòa - Đồng Nai rất đa dạng gồm: gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, Cây Mai… Mỗi dòng có một đặc điểm, màu men riêng, đòi hỏi phải phục dựng một cách công phu. Ở mỗi công trình, dựa theo yêu cầu của từng đình, chùa mà phục dựng các hiện vật một cách tỉ mỉ, chi tiết sao cho giống với bản gốc từ 80-90%. Qua đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hàng ngàn năm của cha ông trên các di tích” - anh Hiến chia sẻ.
Theo nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, Biên Hòa ngày nay là đô thị loại một, một trung tâm công nghiệp, hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa… Nhiều di tích lịch sử, mỹ thuật của Biên Hòa được bảo tồn và phát huy như: Nhà hội Bình Trước, Quảng Trường Sông Phố, đình Tân Lân, miếu Tổ sư… Đây là những di tích có nhiều gốm trên mái đình, chùa, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của dòng gốm Biên Hòa, Đồng Nai. Do vậy, việc phục dựng các công trình đòi hỏi phải giống với bản gốc để các thế hệ hôm nay, mai sau vẫn cảm nhận được lịch sử, văn hóa của vùng đất hơn 320 năm.
Nỗ lực tu bổ, phục dựng trên di tích
5.1-06 Phục dựng gốm Biên Hòa trên di tích Xuân Nhâm Dần 2022 H2.jpg
Các tiểu tượng được nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (P.Hóa An) dày công thực hiện để phục vụ công tác chỉnh trang, tu sửa lại các di tích trên địa bàn tỉnh 
Không chỉ tham gia tu sửa, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, thời điểm này anh Lê Hoàng Vũ (ngụ tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) còn nhận thực hiện trang trí, thiết kế nhiều bình phong, trang thờ, hoành phi câu đối… cho các di tích, đình, chùa trong và ngoài tỉnh. Theo anh Vũ, mỗi di tích thường có rất nhiều hạng mục, điêu khắc, hoa văn, cấu kiện có giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật cao được ông cha tạo dựng bằng nhiều chất liệu. Khi tu bổ, phục dựng, bên cạnh kinh nghiệm và phương pháp bảo tồn truyền thống, rất cần ứng dụng công nghệ hiện đại, bổ sung vật tư mới… làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền cho các công trình mà vẫn bảo đảm giữ được tối đa giá trị gốc.
“Cuối năm là thời điểm các di tích, đình, chùa, cơ sở thờ tự… chỉnh trang lại, chuẩn bị đón Tết, đón người dân đến chiêm bái, ngưỡng vọng. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo các công trình, tôi luôn tâm niệm kéo dài tuổi thọ di tích, gìn giữ, bảo tồn tối đa kiến trúc gốc để lưu giữ nét xưa. Để làm được điều này đòi hỏi người thợ không chỉ có năng khiếu nghệ thuật, am hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa mà còn phải có tâm, yêu nghề. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm sai lệch lịch sử, mất giá trị gốc của di sản...” - anh Vũ bộc bạch.
Hòa Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây