Cùng với hệ thống chính trị, cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn nỗ lực vươn lên đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển của địa phương, thể hiện khát vọng cống hiến và vươn lên mạnh mẽ.
Phụ nữ nông thôn tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
góp phần vào sự phát triển tại địa phương
Phấn đấu làm tốt nhiệm vụ chuyên môn
Từ khi còn là học sinh THCS, chị Trịnh Thị Quyên đã mê mẩn nhân vật luật sư trong phim. Từ đó, chị quyết tâm lớn lên sẽ học chuyên ngành Luật để trở thành luật sư đem lại công bằng cho mọi người. Tốt nghiệp THPT, chị Quyên thi đậu vào ngành Luật dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM và sau này về công tác tại TAND H.Trảng Bom. Sau 9 năm làm thư ký, chị Quyên được bổ nhiệm làm thẩm phán. Chị Quyên cho biết, thẩm phán là một chức danh cao quý nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Để làm tốt nhiệm vụ của mình, chị Quyên không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nắm bắt những thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là phải nghiên cứu thật kỹ các tình tiết vụ án để không xảy ra án oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Cũng may chồng chị làm việc ở ngân hàng nên có thời gian để chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc cha mẹ và đưa đón con để chị có thêm thời gian tập trung cho công việc. Với nỗ lực của bản thân, tháng 6-2020, chị Quyên được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND H.Trảng Bom và tháng 9-2021 vừa qua chị vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Tố tụng hình sự.
Với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Nho (H.Định Quán), chị Nguyễn Thị Bảo Yến đã nỗ lực để hoàn thành tốt vai trò "thủ lĩnh" của mình. Trong đó, bản thân chị đã cùng với Ban Chấp hành Hội LHPN xã thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và các tầng lớp phụ nữ. Từ đó, đề ra các chương trình, hoạt động phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng phụ nữ. Hàng tháng, trong các cuộc họp Ban Chấp hành, vấn đề phát triển hội viên cũng được chị đưa ra để thảo luận nhằm kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Không riêng nữ cán bộ, công chức, viên chức mà hầu hết các tầng lớp phụ nữ đều nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đơn vị. Trong đó, phụ nữ nông thôn phát huy vai trò chủ thể tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thông qua thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch. Chị em nữ công nhân lao động luôn tích cực thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nữ doanh nhân và tiểu thương có nhiều tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, thị trường, gương mẫu trong việc thực hiện đạo đức trong kinh doanh, góp phần tạo hình ảnh văn minh thương nghiệp.
Tích cực cống hiến
Không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, các chị em phụ nữ còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
Ngoài thành tích trong lĩnh vực chuyên môn, cô giáo Tạ Thị Thanh Hương, giảng viên khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng còn được biết đến với nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Trong năm 2020 và 2021, bản thân cô Hương đã tham gia tặng máy lọc nước cho trường tiểu học tại tỉnh Kon Tum; phối hợp với bệnh viện, phòng khám tổ chức khám bệnh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; vận động, trao tặng trên 1,7 ngàn phần quà cho sinh viên, giáo viên, người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19…
Bận bịu với công việc giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu nhưng niềm đam mê với công tác phong trào vẫn luôn thôi thúc cô Phạm Thị Lĩnh, giảng viên Trường Đại học công nghệ Đồng Nai tiếp tục cống hiến. Theo chia sẻ của cô Lĩnh, từ khi còn là học sinh THPT, rồi sinh viên đại học, cô đã tham gia phong trào. Vì vậy, khi về Trường Đại học công nghệ Đồng Nai công tác, cô tiếp tục tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Bí thư Đoàn Khoa Kế toán - tài chính (nay là Khoa khoa học sức khỏe và kế toán tài chính).
Từ khi về Trường Đại học công nghệ Đồng Nai chị Phạm Thị Lĩnh không chỉ giảng dạy mà còn được phân công nhiệm vụ hỗ trợ công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên của trường. Theo đó, chị Lĩnh đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động đồng hành hỗ trợ sinh viên trong học tập. Trong đó, chị đã tham mưu tổ chức tập huấn, hội thảo dảnh cho sinh viên của ngành Kế toán - Tài chính trong công tác chấp hành an toàn giao thông, phòng ngừa tội phạm, ma túy trong học đường, các buổi chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ cho vị thành niên; trang bị kỹ năng và kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, giúp sinh viên định hướng con đường học tập đúng đắn, vững vàng trong ngành nghề. Ngoài các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, sinh viên còn được giảng dạy những kiến thức và kỹ năng xã hội để có thể hòa nhập dễ dàng với thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
Bản thân chị Lĩnh cũng tham gia tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của sinh viên.
Khánh Ngân