Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ dịp hè

Thứ sáu - 20/05/2022 21:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Phổ biến kiến thức, kỹ năng nhận biết tai nạn thương tích cho học sinh Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh là do môi trường sống thiếu an toàn, nhiều ao, hồ, sông, suối… Bên cạnh đó, còn do cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trong thời gian các em được nghỉ học, ở nhà, để các em tự do rủ nhau đi chơi, đi bơi. Qua các vụ tai nạn xảy ra cho thấy, có nhiều học sinh dù không biết bơi nhưng vẫn tự ý đi tắm, đi bơi hoặc rủ nhau chơi đùa ở những nơi gần ao hồ, sông suối mà không có sự giám sát của người lớn. Năm nào cứ vào dịp hè là lại xảy ra tai nạn đuối nước, đọc các thông tin liên quan đến vụ việc, ai cũng thấy thương tâm. Trong điều kiện các nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em còn thiếu, nhiều nơi nhất là các trường học chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này, trước mắt, giáo viên cần thường xuyên lồng ghép kiến thức, kỹ năng nhận biết nguy hiểm như: tránh xa sông suối, ao hồ, nơi sạt lở, dòng nước chảy xiết khi trời mưa lớn, kể cả khi đi trong thành phố. Bên cạnh đó, phụ huynh nên chủ động cho con mình đi học bơi. Khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng chống đuối nước các cháu sẽ được an toàn hơn.
Số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng và thời điểm cuối học kỳ II và dịp hè. Bên cạnh các vụ trẻ bị đuối nước, thì trẻ còn thường gặp các tai nạn rủi to tại nhà như: bỏng, điện giật, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc thực phẩm…

Địa điểm 2 trẻ đuối nước tại hồ khai thác đá tại xã Giang Điền (H.Trảng Bom)
Địa điểm 2 trẻ đuối nước tại hồ khai thác đá tại xã Giang Điền (H.Trảng Bom)

Tai nạn thương tích vẫn có thể phòng tránh nếu có sự chủ động từ nhiều phía trong việc trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng ngừa, ứng phó các rủi ro tai nạn có thể phát sinh…

Những vụ việc đau lòng

Từ tháng 5-2021 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho gần 7,3 ngàn ca tai nạn thương tích. Trong đó có hơn 5,5 ngàn trẻ bị tai nạn do ngã, 706 ca bị tai nạn giao thông, 295 ca bị bỏng, 65 ca ngộ độc, 14 ca đuối nước… Tùy thuộc vào từng lứa tuổi mà các tai nạn thương tích mà trẻ gặp phải cũng khác nhau.

Theo BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các trẻ ở độ tuổi 1-5 thường bị bỏng do lửa, điện, nước sôi; lứa tuổi lớn hơn (6-10 tuổi) thường bị tai nạn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài như: gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông, đuối nước. Các trẻ lứa tuổi dậy thì (14-15 tuổi) thường bị tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng như: sọ não, ngực, bụng, gãy tay, chân…

Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Đồng Nai có từ 15-20 trẻ bị thiệt mạng do tai nạn đuối nước.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ trẻ bị đuối nước. Mới nhất là vụ việc xảy ra 29-4, 2 học sinh Trường THCS T.Q.T. (xã Giang Điền, H.Trảng Bom) đã bị trượt chân rơi xuống hồ khai thác đá tại khu vực trên dẫn đến tử vong. Trước đó vào cuối tháng 3-2022, 2 trẻ nhỏ (tạm trú P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đã vĩnh viễn ra đi khi tắm ở sông Đồng Nai…

Nhiều vụ tại nạn thương tích xảy ra không chỉ để lại cho trẻ những di chứng về sức khỏe mà còn là nỗi đau, ám ảnh cho người lớn về chính sự bất cẩn, chưa quan tâm sâu sát đến trẻ. Còn nhớ cùng thời điểm này năm ngoái, 2 học sinh của một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa đã uống nhầm thuốc diệt chuột đựng trong lọ giống si rô khiến một em tử vong, còn một em dù được cứu sống nhưng khả năng phải chịu nhiều di chứng về sau. Vụ việc đau lòng trên một lần nữa cảnh báo về tình trạng nguy hiểm khi trẻ em tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.

Giữa tháng 3-2022, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một bé gái 8 tuổi nhập viện trong tình trạng đau buốt cổ họng, khó chịu, không nuốt được nước bọt. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện 1 mảnh xương có kích thước khoảng 1,5x2cm mắc trong lòng thực quản. Nguyên nhân bé hóc xương là do bé vừa ăn vừa xem điện thoại nên vô tình nuốt phải xương. Ngoài trường hợp này, các bác sĩ đã cấp cứu, nội soi lấy dị vật là 1 mảnh xương cá dài khoảng 3cm và 1 vỉ thuốc còn nguyên vỏ trong thực quản của 2 bệnh nhi khác.

Để hạn chế tai nạn

Để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ trước hết cần sự quan tâm, chăm sóc của các bậc phụ huynh. Theo BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ phần lớn là trong sinh hoạt ở nhà, lứa tuổi thường từ 3-7 tuổi các bé tò mò muốn trải nghiệm bản thân. Các tai nạn trẻ thường gặp là: bỏng, bị hóc, sặc do nhét đồ chơi và các vật dụng có kích thước nhỏ vào miệng, tai, mũi… đã có nhiều trường hợp trẻ bị va đập vào các đồ dùng trong nhà như cạnh bàn khi chạy nhảy, bị tủ đè, chạm vào các thiết bị điện không an toàn, bị bỏng khi đến gần khu vực nấu nướng…

BS Nguyễn Lê Đa Hà lưu ý, đối với những gia đình có trẻ nhỏ cần đặc biệt lưu tâm để mắt đến trẻ, để xa tầm tay trẻ những vật nhỏ, sắc nhọn, nguy hiểm mà trẻ có thể nuốt phải. Trẻ nhỏ thường tò mò, thích khám phá những điều xung quanh, vì thế, nếu trông coi trẻ không kỹ, rất có thể trẻ sẽ bị kẹt tay vào cửa, bỏng nước sôi, điện giật, té ngã, ngộ độc... Trong gia đình, việc bố trí các ổ điện nên cao quá tầm với của trẻ hoặc phải được bịt kín khi không sử dụng; vo tròn các cạnh bàn nhọn, khu vực nhà bếp cần có rào chắn đề phòng trẻ bị bỏng nước sôi hoặc những tai nạn có nguyên nhân từ lửa. Không nên cho trẻ chơi tiền xu và các vật dụng quá nhỏ, tránh tình trạng bé cho vào miệng, mũi, tai…

Đối với tai nạn đuối nước ở trẻ em, việc chủ động phòng ngừa luôn được ngành Giáo dục và các cấp, ngành quan tâm. Trong đó, việc trang bị các kỹ năng bơi lội phòng, chống đuối nước được xem là yếu tố cần thiết giúp bảo vệ các em. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh. Theo đó, yêu cầu các Sở GD-ĐT cần mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè.

Tác giả: Nhật Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây