Đến nay đã có 3 bệnh nhi được mổ tim tại Đồng Nai nhờ sự phối hợp của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Đồng Nai và BV Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. Sau mổ, các bệnh nhi đều có dấu hiệu phục hồi tốt.
Bất ngờ khi con bị bệnh tim bẩm sinh
Khoảng 2 tháng trước, trong lần khám sức khỏe định kỳ tại lớp học cho bé Trần Đức Minh, (4 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), một y tá của trạm y tế xã đã nghi ngờ bé bị bệnh tim. Người y tá khuyên gia đình đưa bé lên BV khám để có kết quả chính xác. “Khi cầm kết quả con bị bệnh tim bẩm sinh, tôi rất bất ngờ, lo sợ. Vì suốt 4 năm qua, con tôi không hề có biểu hiện của căn bệnh này thường thấy như là mệt, khó thở, khóc tím tái. Có điều là bé ăn uống tốt nhưng lại khó tăng cân, hay bị viêm đường hô hấp và ngủ không sâu giấc”, mẹ bé Minh cho hay.
Kết quả khám và siêu âm tim cho thấy, bé Minh bị hẹp eo động mạch chủ và phải phẫu thuật. Thông thường, một ca phẫu thuật tim có chi phí rất lớn nên gia đình bé Minh khá lo lắng vì điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp. “Tôi nghe nói có những ca mổ tim lên đến 100 - 200 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi đều đi làm công nhân, số tiền đó quá lớn với gia đình tôi. Nhưng may mắn, bác sĩ tư vấn chi phí ca mổ không lớn. Gia đình tôi chỉ phải thanh toán khoảng gần 17 triệu đồng (số tiền gia đình thanh toán sau mổ tại BVĐK Đồng Nai)”, mẹ bé Minh cho hay.
Một bệnh nhi phục hồi sau ca mổ tim
TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK Đồng Nai chia sẻ, bé Minh 4 tuổi nhưng chỉ nặng 15kg, nhẹ cân hơn nhiều so với các bé cùng lứa tuổi. Bé Minh bị hẹp eo động mạch chủ. Căn bệnh này gây ra tình trạng huyết áp ở 2 tay và các mạch máu nuôi não cao như người lớn (khoảng130 - 140mmHg). Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ bị giãn hoặc vỡ mạch máu não. Ngược lại, huyết áp ở phía dưới lại thấp, dẫn tới tình trạng không đủ máu nuôi các bộ phận như: gan, thận, đường ruột, chân.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ tim kín để cắt 1 đoạn động mạch chủ và khâu nối lại trong lồng ngực cho bệnh nhi. Ca mổ này khá phức tạp vì phẫu trường nhỏ, bác sĩ phải can thiệp vào mạch máu lớn nhất trong cơ thể của bé. “Chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ. Dụng cụ phẫu thuật phải sử dụng riêng biệt cho bé. Ngoài ra, kỹ thuật gây mê, hồi sức cũng phải kỹ càng và yêu cầu gắt gao”, BS. Anh Dũng nói.
Các bác sĩ đã phải can thiệp vào khoang lồng ngực bên trái và phẫu tích trước phần hẹp khá xa để khi cắt bỏ đoạn hẹp (dài 3cm) không bị ảnh hưởng đến bệnh nhân. Sau khi cắt, bác sĩ phải kéo 2 đầu của mạch máu để nối lại với nhau. Theo BS. Dũng, kỹ thuật này không quá khó, nhưng để thực hiện được ca mổ, bác sĩ cũng phải có chuyên môn vững bởi mạch máu này là mạch máu lớn nhất cơ thể, dính với các mô xung quanh. Do đó đòi hỏi phải bóc tách sao cho đủ để bù cho đoạn phình bị cắt và khi khâu nối 2 đầu mạch máu với nhau không bị căng giãn, xì hay bung mối nối.
Phát hiện hơn 100 ca bệnh tim bẩm sinh mỗi năm
Trong ca mổ của bệnh nhi nói trên, ngoài các bác sĩ của BVĐK Đồng Nai còn có sự hỗ trợ của cả ê kíp bác sĩ từ BV Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh (ê kíp gồm: bác sĩ gây mê, phẫu thuật, hồi sức). Như những ca bệnh trước, bé Minh được phát hiện bệnh tại BV Nhi đồng Đồng Nai. Sau đó, bé được đưa sang BVĐK Đồng Nai mổ với sự hỗ trợ của BV tuyến trên. Sau ca mổ, bé Minh lại được đưa về BV Nhi đồng Đồng Nai để chăm sóc hậu phẫu.
BS. Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng khoa Tim mạch - thận niệu, BV Nhi đồng Đồng Nai cho hay, đây là ca mổ tim thứ 3 mà 3 BV cùng phối hợp thực hiện trong thời gian qua. Đến nay, cả 3 ca đều phục hồi tốt, ổn định sau phẫu thuật. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của việc hợp tác giữa các BV nên vừa làm, các bên phải tự điều chỉnh và hỗ trợ nhau kịp thời.
Mỗi năm, BV Nhi đồng Đồng Nai khám và phát hiện hơn 100 trường hợp bệnh nhân bị tim bẩm sinh. Tuy nhiên, không phải ca bệnh tim bẩm sinh nào cũng phải mổ, có nhiều ca chỉ cần theo dõi, chữa trị nội khoa. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể của mỗi trẻ để đưa ra cách điều trị phù hợp. Các trẻ bị bệnh tim nhẹ không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, sự phát triển của trẻ nhưng các trẻ bị bệnh nặng, suy tim lại rất khó phát triển và gia đình phải có sự chăm sóc kỹ lưỡng, chế độ ăn uống đầy đủ.
Theo BS. Ly Ly, việc phòng ngừa bệnh cho trẻ bị tim bẩm sinh rất quan trọng. Nhiều gia đình cho rằng, trẻ bị bệnh tim nên không chích ngừa hoặc trạm y tế lo ngại khi chích ngừa cho các bé này. Vì vậy, các bé dễ bị mắc các bệnh mà đáng lẽ có thể ngừa bằng vắc xin. Tuy nhiên, hơn một năm nay, cứ sáng thứ 3 hằng tuần, các bác sĩ của BV sẽ phụ trách vấn đề chích ngừa của các bé bị bệnh tim. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể bao phủ hết toàn tỉnh. Nếu trạm y tế không đủ khả năng chích ngừa các loại vắc xin cho các bé bị tim bẩm sinh, các bậc phụ huynh nên đưa con đến BV Nhi đồng Đồng Nai để chúng tôi chích ngừa cho trẻ”, BS. Ly Ly cho biết.
BS. Ly Ly cũng khuyến cáo, khi chăm sóc các trẻ bị tim bẩm sinh, người nhà cần rửa tay khi chăm sóc trẻ. Khi gia đình có người bị ho, sổ mũi phải đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho trẻ vì trẻ bị tim dễ bị bệnh khác, khó tăng cân, mỗi lần bệnh lại giảm cân…
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập