Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đây đã thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật, cứu sống 2 bệnh nhân (đều ngụ TP.Biên Hòa) bị vỡ phình động mạch chủ bụng dưới thận nguy hiểm.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật vỡ phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật vỡ phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân
ThS-BS. Nguyễn Công Tiến, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực- tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân thứ nhất là cụ bà 73 tuổi, được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng sốc (tụt huyết áp), đau bụng chưa biết rõ nguyên nhân. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, hồi sức tích cực, chụp CT bụng cho bệnh nhân thì phát hiện bệnh nhân có 1 túi phình động mạch chủ bụng dưới thận gần 6cm đã vỡ vào khoang sau phúc mạc. Bệnh nhân ngay lập tức được triển khai mổ cấp cứu. Trong phòng mổ, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch đã tiến hành cầm máu, thay đoạn động mạch chủ bụng dưới thận bị vỡ cho bệnh nhân.

Hình ảnh động mạch chủ bụng bị phình nguy hiểm đến sức khỏe
Hình ảnh động mạch chủ bụng bị phình nguy hiểm đến sức khỏe
Bệnh nhân thứ hai là cụ ông 82 tuổi nhập trong tình trạng sốc, đau bụng nhiều kèm chướng bụng. Đáng lưu ý, bệnh nhân biết bị phình động mạch chủ bụng từ 3 năm trước nhưng không đồng ý điều trị vì đã lớn tuổi. Kết quả CT cho thấy, túi phình động mạch chủ bụng của bệnh nhân rất lớn, đường kính khoảng 9cm kèm phình 2 động mạch chậu, đã vỡ vào sau phúc mạc và tạo khối máu tụ khá lớn. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ trong tình trạng sốc, huyết áp tụt. Sau 2 giờ đồng hồ, nhờ sự hỗ trợ tích cực của ê kíp gây mê hồi sức, bác sĩ phẫu thuật đã cầm máu thành công và thay được đoạn phình động mạch chủ chậu. Đến nay, cả 2 bệnh nhân đã bình phục tốt và được xuất viện.
Theo ThS-BS. Nguyễn Công Tiến, vỡ phình là biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ, tỷ lệ tử vong cao khi phải mổ cấp cứu. Quá trình phẫu thuật rất khó khăn do bệnh nhân được mổ trong tình trạng sốc mất máu, có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác như tim, thận, não nên cần một ekip gây mê hồi sức tốt hỗ trợ. Kèm theo đó là tình trạng túi phình đã vỡ, máu thoát ra nhiều gây tẩm nhuộm mất cấu trúc giải phẫu thông thường, yêu cầu phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm về mổ phình mới có thể cầm máu nhanh được.