Phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc

Thứ sáu - 17/03/2023 14:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hiện Đồng Nai có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có hơn 198 ngàn người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, Đồng Nai đã đẩy mạnh phát triển văn hóa, khôi phục các lễ hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Đồng bào dân tộc Chơro ở Long Khánh biểu diễn cồng chiêng, phục vụ hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống tại địa phương
Đồng bào dân tộc Chơro ở Long Khánh biểu diễn cồng chiêng, phục vụ hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống tại địa phương

Đa dạng các hoạt động

Nổi bật là công tác sưu tầm và biên soạn dữ liệu phi vật thể (phong tục, tập quán, tín ngưỡng); kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các lễ hội được quan tâm, tạo điều kiện để khôi phục và tổ chức hàng năm như: Sayangva, Sayangvri (dân tộc Chơro); Yang Bơ nơm, Yang Koi (đồng bào Mạ); Lễ hội chùa Ông (người Hoa); Cholchnamthmay, Sendolta, Ocomboc (dân tộc Khmer); Ramandan, Roya Haji (dân tộc Chăm)…

Già làng Điểu Liệt (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) cho hay: “Trước đây, đời sống người Chơro ở Định Quán rất khó khăn, bà con phải lo kiếm cái ăn, cái mặc trước khi nghĩ đến văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào đang dần đi lên. Địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa dân tộc, bổ sung các hiện vật, cồng chiêng… tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chơro sinh hoạt văn hóa, khôi phục lễ hội truyền thống hàng năm, truyền nghề cũng như hướng dẫn người trẻ học cồng chiêng”.

Theo Phó Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS được các địa phương quan tâm trong nhiều năm qua. Không chỉ chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho bà con tại các thiết chế mà huyện luôn khuyến khích đồng bào dân tộc tích cực tham gia, tạo ra các hoạt động của đồng bào. Hàng năm, huyện phối hợp với các xã, ấp có đông đồng bào DTTS tổ chức lễ hội Sayangva; kết nối với đồng bào DTTS ở các huyện, thành phố. Các hoạt động vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào DTTS, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Đồng bào dân tộc Mường tại H.Định Quán giữ lửa nghề truyền thống nấu rượu cần
Đồng bào dân tộc Mường tại H.Định Quán giữ lửa nghề truyền thống nấu rượu cần

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, song trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS gặp một số khó khăn. Trong đó, một bộ phận giới trẻ trong đồng bào DTTS chưa quan tâm đến văn hóa truyền thống; các hiện vật trong đồng bào ngày một ít đi; một số lễ hội của đồng bào không được duy trì, đang dần mai một và mất đi.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, hiện Đồng Nai đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa dân tộc thuộc 6 huyện (Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu và Thống Nhất); đồng thời, trang bị gần 50 bộ cồng chiêng, trống, chập chạ, ngũ âm cho các nhà văn hóa dân tộc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Định kỳ 2 năm/lần, tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao các DTTS tỉnh Đồng Nai… tạo không gian văn hóa để đồng bào các DTTS giao lưu, gắn kết và phô diễn nét đẹp truyền thống.

“Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện nghị quyết, chỉ thị… của Trung ương và địa phương về công tác dân tộc, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh điền dã, sưu tầm, các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến văn hóa truyền thống của đồng bào, gắn công tác bảo tồn, phát huy với phát triển du lịch văn hóa DTTS, giải quyết việc làm trong đồng bào. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền hình ảnh các DTTS, thành tựu công tác dân tộc; có chế độ chính sách đối với đội ngũ làm già làng, người uy tín làm việc tại các thiết chế văn hóa dân tộc…” - ông Khang nhấn mạnh.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây