Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai tổ chức bình chọn giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu được hơn 10 năm. Chương trình góp phần giúp sản phẩm địa phương của Đồng Nai từng bước phát triển thương hiệu ra khu vực và cả nước, nhưng theo thời gian, giải thưởng này đang có những tồn tại nhất định.
Để thúc đẩy và lan tỏa chương trình, cần thiết có sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp tốt hơn giữa ngành công thương và các địa phương trong việc vận động DN tham gia.
Sản xuất tại một cơ sở công nghiệp nông thôn ở Đồng Nai
Còn thiếu những nhân tố mới
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có trên 9,8 ngàn cơ sở CNNT, trong đó quy mô hoạt động chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Để hỗ trợ các cơ sở này phát triển ổn định, bền vững, nhiều hoạt động khuyến công đã được triển khai. Trong số đó, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT là một trong những giải pháp hỗ trợ để các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ năm 2010 đến nay, đã có 193 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp khu vực và 9 sản phẩm cấp quốc gia. Mặc dù đã có những kết quả cụ thể song đánh giá khách quan, các sản phẩm đã được công nhận vẫn chưa tương xứng với mức độ phát triển công nghiệp của Đồng Nai và số lượng cơ sở CNNT.
Đơn cử như năm 2021, toàn tỉnh có 6 địa phương gồm các huyện: Xuân Lộc, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Định Quán, Thống Nhất và TP.Long Khánh đăng ký 16 sản phẩm của 10 chủ thể gồm: 1 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 15 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến nông - lâm - thủy sản. Riêng nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, phụ tùng cơ khí và các sản phẩm khác không có đơn vị tham dự. Như vậy, trong 11 huyện, thành phố, chỉ có 6 địa phương tham gia. Các sản phẩm này hầu hết đều đến từ các DN, cơ sở quen thuộc trên địa bàn tỉnh như: các thương hiệu ca cao Trọng Đức; chuối sấy Cường Hoa; trái cây sấy Thuận Hương; nước tương, nước chấm Hoa Sen... mà thiếu những nhân tố mới.
Cần các giải pháp đồng bộ, mới mẻ
Việc khuyến khích các DN, cơ sở CNNT tham gia ngày càng nhiều vào chương trình thì chỉ riêng ngành Công thương là không đủ. Theo đó, UBND các huyện, thành phố cần quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch khuyến công của địa phương hằng năm, đưa việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện là một trong những trọng tâm và bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng để triển khai thực hiện.
Về phía các DN, điều quan trọng đối với họ vẫn là hiệu quả sau khi tham gia các chương trình cũng như việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục hành chính. Đồng thời, phải kết hợp cùng các chính sách hỗ trợ khác để DN có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn, mở rộng thị trường, nếu không mức độ phổ biến của hoạt động này sẽ không cao.
Thực tế lâu nay, các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này chỉ tập trung vào các chương trình liên quan đến xúc tiến thương mại quốc gia, đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ hàng Việt, ngày hội công nhân. Việc quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm chủ yếu đến hẹn lại lên, chưa có sự bền vững và khi sự kiện kết thúc thì những kết nối dài hơn còn ít.
Ngoài ra, đa phần các cơ sở CNNT vẫn đang rất thiếu kiến thức, hạn chế về tài chính, nên khả năng tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm chưa tương xứng với yêu cầu phát triển thị trường. Vì thế, để hoạt động xúc tiến thương mại thực sự đủ mạnh, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu rộng khắp trong và ngoài tỉnh thì cần nhiều giải pháp tổng thể hơn.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập