Vùng Đông Nam bộ có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Do đó, yêu cầu đặt ra là vùng phải phát triển nhanh và bền vững phù hợp hơn nữa với vị trí vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu phát triển của cả nước.

Phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển của Vùng Đông Nam bộ (đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai xây dựng)
Phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển của Vùng Đông Nam bộ (đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai xây dựng)
Hình mẫu tiêu biểu trong hợp tác liên kết vùng
Trên cơ sở quán triệt tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế thừa, bổ sung quan điểm của Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị khóa IX (ngày 29-8-2005) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020, Nghị quyết số 24 có một số quan điểm chỉ đạo mới để phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Đông Nam bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững phù hợp hơn nữa với vị trí vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu phát triển của cả nước. Bộ Chính trị cũng đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc xây dựng và phát triển Vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.
Phát triển Vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế của vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm. Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó, lấy nội lực là quyết định, là chiến lược, là cơ bản, lâu dài kết hợp hài hòa với ngoại lực tạo nền tảng động lực thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 23-10 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, để đạt được những mục tiêu trên, các địa phương trong vùng phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa phát huy sự năng động sáng tạo hơn nữa. “Đông Nam bộ phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng. Lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng, hoàn thiện thể chế chính sách điều phối vùng có hiệu quả. Thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, Asian và trên thế giới. Phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương. Thực hiện thí điểm những mô hình mới vượt trội có sức cạnh tranh quốc tế cao tạo sức đột phá trong việc phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của vùng” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Xác định rõ tiềm năng lợi thế, khó khăn thách thức
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong Nghị quyết số 24, Bộ Chính trị đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cho Vùng Đông Nam bộ. Đây là nội dung hoàn toàn mới của nghị quyết lần này.
Do đó, các cơ quan liên quan phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa mục đích, ý nghĩa, yêu cầu nội dung của nghị quyết. Phải nắm thật kỹ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các công việc phải làm. Trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. “Phải xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời phải nhận thức thật đúng, giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước “cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn để khắc phục. Đồng thời, đề ra các chính sách cụ thể có tính khả thi cao, tạo sự chuyển biến có tính đột phá.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của Vùng Đông Nam bộ.