(CTT-Đồng Nai) - Sáng 15-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương trong cả nước. Tại điểm cầu Đồng Nai, Quyền chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chủ trì tham gia hội nghị cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Chính phủ
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2023, bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ VH-TTDL, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt gần 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 582 ngàn tỷ đồng… Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận từ các bộ, ngành trung ương và địa phương trong cả nước.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực mà ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa xứng tầm với những tiềm năng vốn có của Việt Nam. Qua phân tích, đánh giá những mặt được và chưa được, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tập trung một số vấn đề như: nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về giá trị của ngành du lịch mang lại, từ đó các chủ thể có liên quan phải chủ động, tích cực, hiệu quả trong phối hợp phát triển ngành du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững nhưng có tính hiệu quả cao; xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc của Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước ta; phối hợp, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp, chủ thể có liên quan để phát triển ngành du lịch. Mối liên kết phải chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa cơ quan nhà nước và tư nhân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương, Xây dựng chuỗi giá trị liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu, đây là yêu cầu quan trọng; phải có tư duy, cách tiếp cận thay đổi để phát triển ngành Du lịch theo hướng thể chế phải thông thoáng, giao thông phải thông suốt, quản lý phải thông minh, bảo đảm nguồn lực về hạ tầng lẫn nhân lực; có những phương pháp, cách tiếp cận tư duy mới.

Vườn quốc gia Cát Tiên, điểm du lịch nổi tiếng thế giới của Đồng Nai.
Vườn quốc gia Cát Tiên, điểm du lịch nổi tiếng thế giới của Đồng Nai.
Để du lịch phát triển theo các quan điểm trên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Cụ thể, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", trong đó tập trung thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn; tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế; tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch; thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công - tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập...
Tại Đồng Nai, trong 10 tháng năm 2023, lượng khách đến tham quan và lưu trú đạt trên 2,4 triệu lượt, trong đó, khách nội địa trên 2,3 triệu lượt, khách quốc tế gần 90 ngàn lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt trên 1,47 ngàn tỷ đồng, tăng 42,1 % so với cùng kỳ năm 2022.