(CTT-Đồng Nai) - Không chỉ là trung tâm kinh tế, Đồng Nai còn là miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản 325 năm hình thành và phát triển.

Các sản phẩm gốm thủ công của Biên Hòa được trưng bày, giới thiệu trong triển lãm Nghệ thuật gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống năm 2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh
Các sản phẩm gốm thủ công của Biên Hòa được trưng bày, giới thiệu trong triển lãm Nghệ thuật gốm Biên Hòa - sắc màu cuộc sống năm 2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh
Với lợi thế về di tích, di sản, làng nghề truyền thống, Biên Hòa - Đồng Nai đang tập trung khai thác các giá trị để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh
Đồng Nai hiện có hơn 1,4 ngàn di tích phổ thông và 68 di tích được xếp hạng (số liệu vào tháng 7-2023). Bên cạnh đó, Đồng Nai có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như: Cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa nhân loại, múa rối nước. Hằng năm, toàn tỉnh tổ chức hơn 350 lễ hội (truyền thống, ngành nghề và văn hóa)… Đây là nguồn lực lớn để Đồng Nai phát triển du lịch văn hóa, tạo ra sự khác biệt, đồng thời là yếu tố quyết định sức hút trong phát triển du lịch tỉnh nhà.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Góp sức để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, Nhà hát đã tham gia các liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đoạt nhiều giải cao. Tiêu biểu như tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV tại Hà Nội năm 2019; Cuộc thi tài năng trẻ Diễn viên sân khấu cải lương toàn quốc 2020 tại Cà Mau; Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2022 tại tỉnh Long An… Qua đó, đưa nghệ thuật cải lương Đồng Nai đến với công chúng trong và ngoài tỉnh”.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho hay, du lịch Đồng Nai những năm qua đã có những chuyển biến khá tích cực. Kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, đặc biệt đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện một số tuyến đường gắn với các khu, điểm du lịch; thu hút được 18 dự án phát triển du lịch với vốn đầu tư trên 10 ngàn tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu đã và đang triển khai như: Dự án khu du lịch Sơn Tiên, Dự án du lịch tại Thác Mai - Bàu nước sôi, Dự án tuyến du lịch đường sông, Dự án khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực Núi Chứa Chan và Hồ Núi Le, huyện Xuân Lộc...
“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4,5 ngàn lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Trong đó, có 1.620 người có trình độ từ trung cấp trở lên (chiếm 36% tổng số lao động), còn lại là những lao động được bồi dưỡng ngắn hạn và chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Hàng năm, Sở tổ chức các lớp buồng, bàn, lễ tân cho lực lượng lao động của các khách sạn, nhà nghỉ, các khu, điểm du lịch trên địa bàn 11 huyện, thành phố; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên cho các khu, điểm du lịch” - bà Loan chia sẻ.
Với 325 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có dồi dào các nguyên vật liệu từ tự nhiên để phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Trong đó nổi bật là nghề gốm Biên Hòa; nghề điêu khắc đá Bửu Long; nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ ở Tà Lài, huyện Tân Phú; nghề mộc mỹ nghệ huyện Trảng Bom và Xuân Lộc.

Đồng bào dân tộc Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, quảng bá trên mạng xã hội, góp phần phục vụ phát triển du lịch văn hóa
Đồng bào dân tộc Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, quảng bá trên mạng xã hội, góp phần phục vụ phát triển du lịch văn hóa
Có chiến lược cụ thể…
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan khẳng định, Đồng Nai sẽ được rất nhiều khi phát triển công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai ra với thế giới.
Mặc dù có nhiều lợi thế song cũng phải nhìn nhận rằng, Đồng Nai đang đứng trước nhiều thách thức: Sự cạnh tranh quyết liệt của các địa phương khác; ngành công nghiệp văn hóa của Đồng Nai còn nhỏ, yếu, trong khi văn hóa và công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự đầu tư lớn và có chiều sâu. Các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo và xứng tầm với vị thế của vùng đất 325 năm hình thành và phát triển, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý và thiếu những liên kết chuyên ngành…
Để việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm nhìn về vai trò quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất sản phẩm, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa.
“Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hoá nghệ thuật với các nước trong khu vực, trong cộng đồng ASEAN, các quốc gia, vùng lãnh thổ và các nước có quan hệ truyền thống với Đồng Nai trong nhiều năm qua như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý, các tiềm năng du lịch về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa” - bà Loan nhấn mạnh.

Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ số vào cải lương tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội với vở diễn Niềm khát
Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ số vào cải lương tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội với vở diễn Niềm khát