Nhận thức được sự thay đổi của thực tiễn và nhu cầu của thanh niên, đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp luôn rèn luyện cho mình bản lĩnh, nhiệt huyết với nghề, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình triển khai các hoạt động yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Anh Nguyễn Hiếu Trung (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch triển khai cho ĐVTN tự làm các thiết bị đồ chơi cho thiếu nhi để tiết kiệm
chi phí
Luôn nhiệt huyết
Vì yêu thích phong trào mà chị Nguyễn Thị Mai Trang (ở xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) từ bỏ công việc đúng chuyên môn để tham gia công tác Đoàn với vai trò Bí thư Đoàn xã Xuân Phú. Mặc dù được làm công việc yêu thích nhưng bản thân chị cũng gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn con trai chị còn nhỏ.
Chị Trang, cho biết cán bộ Đoàn cơ sở phải gần gũi cơ sở, thường xuyên dự sinh hoạt Chi đoàn, trực tiếp tham quan các mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN để nắm bắt tình hình và kịp thời định hướng, lan tỏa trong ĐVTN. Chưa kể, bí thư chi đoàn ấp thường xuyên thay đổi nên chị Trang có khi phải “cầm tay chỉ việc”. Các buổi sinh hoạt chi đoàn hay các chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên xã thường diễn ra vào buổi tối hoặc ngày nghỉ nên chị phải sắp xếp việc nhà, gửi con cho ông bà trông giúp để tham gia hoạt động.
Cùng bởi niềm đam mê với phong trào mà sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Nguyễn Hiếu Trung (hiện là Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch) chọn tham gia công tác Đoàn với vai trò Phó Bí thư Đoàn xã Long Tân (H.Nhơn Trạch). Mặc dù đã tốt nghiệp đại học nhưng để đáp ứng được yêu cầu công việc, sau khi đảm nhận vị trí Phó Bí thư Đoàn xã, anh Trung tiếp tục tham gia lớp đại học vừa làm vừa học chuyên ngành Quản trị hành chính công. Hoàn thành chương trình học cũng là lúc anh Trung chuyển công tác về làm chuyên viên Huyện đoàn Nhơn Trạch. Anh Trung cho hay, khi ấy anh đã có gia đình riêng, nhưng công việc không có ngày nghỉ, nhiều khi gia đình có việc cũng không thể tham gia. Nhưng may mắn là cha mẹ, vợ anh hiểu và động viên, cùng với tình cảm gắn bó của đồng nghiệp đã níu chân anh ở lại với Đoàn.
Cuối năm 2018, anh Trung được bầu làm Phó bí thư Huyện đoàn và năm 2020, anh được bầu làm Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN H.Nhơn Trạch. Anh Trung cho biết, đây là thời điểm khó khăn nhất với anh. Bởi giai đoạn trước đó, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện đã có bề dày thành tích cao nên với vai trò là người kế cận, anh phải nỗ lực để gìn giữ và phát huy những thành quả đã đạt được.
Là bộ đội xuất ngũ, gia đình lại có truyền thống cách mạng, bản thân là đảng viên tích cực trong các hoạt động tại địa phương nên năm 2015, anh Nguyễn Văn Thêm, ngụ ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu được giới thiệu và bầu làm Bí thư Chi đoàn ấp Lý Lịch 1. Anh Thêm cho biết, đa số người dân trong ấp là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận rất quan trọng. Vì vậy, ban ngày đi làm rẫy, tối đến anh cùng với ban ấp đi đến từng hộ dân để nắm tình hình ĐVTN, để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cá nhân anh còn gương mẫu đi đầu tham gia các lớp học đánh cồng chiêng, vận động ĐVTN tham gia lớp học đánh cồng chiêng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đề ra những mô hình, cách làm mới
Với vai trò "thủ lĩnh" thanh niên trường học, bản thân thầy Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Khuyến TP.Biên Hòa luôn sáng tạo triển khai có hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Thầy Nguyễn Văn Ngọc cho biết, chức năng chính của Đoàn là tập hợp, giáo dục đoàn viên thanh niên. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được cá nhân thầy và Ban Chấp hành Đoàn trường quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.
Trong đó, để triển khai nội dung nghị quyết đại hội Đoàn các cấp, Đoàn trường đã triển khai qua mạng xã hội facebook và bảng tin của trường; lồng ghép vào nội dung của các cuộc họp, buổi sinh hoạt dưới cờ; tổ chức hội thi trực tuyến tìm hiểu nghị quyết đại hội Đoàn các cấp; tổ chức cho ĐVTN thắp nến tri ân, dâng hương hoa tại Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp... nhân ngày thương binh liệt sĩ nhằm giáo dục cho đoàn viên, học sinh đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Các phong trào hành động cách mạng của Đoàn được thầy Ngọc cụ thể hóa thành những hoạt động gần gũi, thiết thực với đoàn viên, học sinh. Trong đó, thực hiện phong trào thanh niên tình nguyện, Đoàn trường đã tổ chức gây quỹ để triển khai các hoạt động từ thiện xã hội, công trình thanh niên, trao học bổng cho học sinh nghèo, đoàn viên khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai…
7 năm tham gia công tác Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Ngọc Thảo An luôn tìm tòi và đưa ra nhiều sáng kiến để các hoạt động Đoàn - Đội được phong phú và có sức hút với ĐVTN. Điển hình từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, chị đã tham mưu Thành đoàn xây dựng và triển khai tài liệu sinh hoạt Chi đoàn, các ấn phẩm tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị bằng các sản phẩm truyền thông trên các fanpage của tổ chức Đoàn - Hội thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình trực tuyến bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 như: tọa đàm, hội thi trực tuyến…
Bên cạnh đó, chị đã tham mưu Thành đoàn tổ chức điểm bán vải thiều hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang; điểm bán hàng bình ổn giá, mô hình Tủ lạnh thân thương, vận động quà hỗ trợ người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; pha chế nước rửa tay sát khuẩn tặng cho người dân…
Với đặc thù các chi đoàn trực thuộc nằm rải rác ở các địa bàn khác nhau, anh Phạm Kỳ Minh, Bí thư Đoàn cơ sở Tổng công ty Sonadezi đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc họp trực tuyến đồng thời phân chia các Chi đoàn theo những nhóm ngành nghề có liên quan với nhau và cử nhóm trưởng theo dõi. Đồng thời, tổ chức cho ĐVTN thực hiện các phần việc vì cộng đồng, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn.
Khánh Ngân