Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba - 25/04/2023 15:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Toàn tỉnh có 206 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mỗi cá nhân ngày càng thể hiện được vai trò cầu nối và chủ động, tích cực đồng hành với chính quyền địa phương xây dựng quê hương.

Ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa chuẩn bị quà để trao cho bà con
Ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa chuẩn bị quà để trao cho bà con

Gắn kết cộng đồng

Nhờ đó các phong trào thi đua yêu nước được triển khai ở địa bàn dân cư, nhất là khu vực tập trung đông đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, tùy vào sự thống nhất, đoàn kết trong từng cộng đồng mà mỗi nơi có cách gắn kết người dân khác nhau. Trong đó, việc gắn kết cộng đồng chăm lo cho hộ nghèo, gia đình khó khăn cũng được người có uy tín trong đồng bào DTTS quan tâm thực hiện.

Ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho hay bà con khó khăn vẫn rất cần được quan tâm, giúp đỡ. Để san sẻ cùng chính quyền địa phương trong vấn đề an sinh xã hội, mỗi năm thông qua vận động và đóng góp của bản thân, ông đều tổ chức trao tặng từ 3-4 đợt quà cho người dân với số lượng từ 200-300 phần/đợt.

Hay khi biết tin gia đình nào có người thân qua đời, ông tìm đến để có những trợ giúp về tổ chức ma chay cho người đã khuất. “Tùy hoàn cảnh cũng như mong muốn của gia đình và nhất là kết quả vận động ra sao mà có đám mình lo giúp tất cả mọi thứ, cũng có đám mình chỉ giúp được một phần” - ông Sáng chia sẻ.

Còn ông Quách Thanh Nhãn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mường ở xã Đắc Lua, H.Tân Phú thì cho biết, khu vực nơi ông làm người uy tín có đến 7 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống. Dù thành phần dân tộc có khác nhau song khi bà con tín nhiệm thì mọi người đều lắng nghe những điều phải mà ông truyền đạt. Cụ thể, mỗi năm con em đồng bào đều có nhiều người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, ông động viên con em, gia đình chấp hành thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Đặc biệt, để tạo sự gắn kết trong cộng đồng DTTS, nhiều năm qua ông Nhãn đã xây dựng mô hình Làm đẹp cho phụ nữ trong cộng đồng. Cụ thể, theo ông Nhãn: “Mỗi tháng, bà con tự nguyện đóng góp theo hộ để mua 1 đôi bông tai. Đến ngày sinh hoạt hàng tháng của cộng đồng, món quà này được tặng cho phụ nữ. Cứ lần lượt từng gia đình có thành viên nữ trong cộng đồng nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng. Bà con rất vui với việc làm này”.

Giúp học sinh đến trường

Một trong những hoạt động tích cực khác mà người có uy tín trong đồng bào DTTS thực hiện là hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Nhiều năm qua, ông Triệu Vỹ Văn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Tày ở KP.Hiệp Tâm 1, TT.Định Quán (H.Định Quán) đóng góp tích cực cho hoạt động khuyến học.

Hiện ông Văn vừa là người có uy tín trong đồng bào DTTS, vừa đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố. Ông nắm rõ hoàn cảnh của học sinh, gia đình các em đang gặp phải vấn đề gì và điều đó ảnh hưởng ra sao đến việc học để tìm cách trợ giúp. Từ đó, ông Văn cùng các thành viên khác trong Chi hội Chữ thập đỏ khu phố vận động nguồn lực hỗ trợ gia đình khó khăn, nhất là những hộ có nhiều con đang đi học.
Ông Văn chia sẻ thêm: “Ai ủng hộ dù chỉ 10 hay 20 ngàn đồng mình vẫn tìm đến tận nơi vui vẻ nhận. Bởi số tiền tuy ít nhưng đó là tấm lòng muốn giúp người và khả năng họ chỉ có thể giúp đến đó. Nhưng nhiều người thì thành số tiền to. Qua đó, mỗi năm, hàng trăm phần quà đến với những học sinh khó khăn và gia đình các em. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh bỏ học từ đó giảm đi rất nhiều, nhất là trong cộng đồng DTTS”.

Còn với ông Vòng Nhì Sập, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) thì chia sẻ: “Bản thân tôi luôn có gắng đóng góp những gì có thể để cùng chính quyền địa phương lo cho các em, các cháu được đi học. Bởi, chỉ có con đường học tập mới tạo cho con em địa phương có cơ hội đến với những nghề nghiệp mà mình mơ ước. Về lâu dài, điều này góp phần xây dựng cuộc sống ổn định cho mỗi gia đình”.

Mỗi năm, thông qua tiền tiết kiệm của bản thân từ lợi nhuận của vườn cây ăn trái và vận động từ những nơi thân quen, ông Sập đều đặn trao tặng trên 100 suất học bổng cho con em địa phương. Song song đó, thông qua cơ sở dạy tiếng Hoa, ông Sập cùng các thành viên khác còn mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí dành cho 37 thanh, thiếu niên ở địa phương. Trước đó, những lớp học tương tự đã giúp cho nhiều nam, nữ thanh niên có thêm khả năng về ngoại ngữ để xin việc làm, du học.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây